Thị trường

Sắp ngồi nhà cũng mua được hàng hiệu châu Âu giá gốc?

06/10/2020, 23:05

Thuế suất về 0% tuy có tạo ra áp lực cho các nhà sản xuất trong nước nhưng thúc đẩy phát triển du lịch, tăng nguồn thu từ du lịch.

img
Nhiều câu hỏi của các DN liên quan đến thủ tục thuế, hải quan về Hiệp định EVFTA được trả lời trong toạ đàm

Chuyển hướng đẩy mạnh phát triển ngành du lịch

Toạ đàm “Cục Hải quan TP.HCM và DN đồng hành thực hiện EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU)” tổ chức sáng 6/10 cho biết, tới đây, hàng loạt mặt hàng đến từ các thương hiệu trên thế giới về Việt Nam sẽ có thuế suất bằng 0%. Như vậy người tiêu dùng không phải đi nước ngoài để mua hàng hiệu giá "gốc".

Tại toạ đàm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific nêu ví dụ: Lâu nay, chẳng hạn như thời trang châu Âu vào Việt Nam phải chịu thuế rất cao, ít nhất 30% và chưa kể 10% VAT. Trong khi đó tại Singapore, Hồng Kông và nhiều nước khác, thuế nhập khẩu của họ là 0%.

Cùng với việc việc áp thuế nhập khẩu quá cao, hiện DN nhập khẩu VN đang còn phải nhức đầu với vấn đề lãi suất ngân hàng cao gấp đôi so với các nước khác nên rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, chi phí logictics cũng tốn kém, thường là gấp đôi so với các nước khác.

Ông Hạnh Nguyễn cũng cho rằng, không nên tập trung vào việc tận thu thuế nhập khẩu hay đặt gánh nặng quá lớn cho ngành hải quan.

"Tại sao các nước phát triển lại đặt thuế nhập khẩu bằng 0%?", ông hỏi và trả lời: "Trên thực tế, họ chỉ tăng thuế nhập khẩu và dùng đó như một vũ khí khi có "chiến tranh thương mại" xảy ra. Còn thông thường, họ hướng đến nguồn thu từ ngành du lịch".

Theo ông, sản phẩm du lịch đem lại lợi ích đa dạng. Nhờ du lịch nên ngành hàng không sống được, sân bay sống được, khách sạn sống được, nhà hàng sống được… tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người. Khách vào thì Việt Nam sẽ thu ngoại tệ, giảm áp lực từ việc thu thuế nhập khẩu.

"Chúng ta đã ký 13 hiệp định và còn 3 hiệp định sắp tới nữa. Điều đó cho thấy chúng ta mong muốn thay đổi nhưng chúng ta chưa làm. Tôi cho rằng, cần kiến nghị Chính phủ đổi hướng, sau dịch Covid-19 phải có chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch, hướng nguồn thu vào ngành du lịch”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Tại toạ đàm, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng, phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, cho hay theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi thực hiện hiệp định EVFTA, số thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.HCM nói riêng và ngành Hải quan nói chung sẽ giảm. Hiện nay thu nộp ngân sách hàng năm của Cục Hải quan TP.HCM chiếm gần 40% toàn ngành. Theo tính toán, số thu nộp ngân sách của đơn vị giảm từ 500-1.000 tỷ đồng trong 3 tháng tới. Tuy nhiên, xu hướng trong tương lai, Việt Nam sẽ gia tăng thu hút đầu tư FDI và thu nội địa.

Không chỉ nhập khẩu, tại toạ đàm các chuyên gia cho hay xuất khẩu cũng được hưởng lợi từ EVFTA. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong cán cân thương mại xuất khẩu tại Việt Nam.

Mua hàng hiệu không cần phải đi nước ngoài mới có "giá gốc"

Đánh giá về tính hiệu quả của Hiệp định EVFTA, ông Hạnh Nguyễn cho rằng, đây không chỉ là cơ hội cho công ty ông ở mảng nhập khẩu mà cơ hội dành cho các DN khác và đặc biệt là cơ hội dành cho người tiêu dùng khi được sử dụng các mặt hàng châu Âu với giá thấp hơn hiện nay. Điều này cũng đóng gióp cho ngành du lịch phát triển, tăng ngoại tệ cho nước nhà.

Theo ông Hạnh, chỉ cần hình dung trong 3 - 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có những khu mua sắm phi thuế quan - Factory Outlet. Những khu mua sắm này cực kì quan trọng bởi đấy là sức hút khách du lịch và ngành du lịch Việt Nam có thêm động lực phát triển. Từ đây kéo theo hàng loạt các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng…. Việt Nam có thể đón cả trăm triệu lượt khách mỗi năm.

“Mục tiêu của chúng tôi sẽ có ba khu phi thuế quan gồm khu phi thuế quan Phú Quốc (Kiên Giang), khu phi thuế quan Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và khu phi thuế quan Đà Nẵng. Tôi cho rằng nhờ EVFTA hàng châu Âu vào Việt Nam nhiều hơn cũng sẽ giúp tăng khả năng cân bằng thương mại trong xuất nhập khẩu”, ông Hạnh nói.

Đại diện Công ty Rita Võ - một DN hàng đầu nằm trong top 200 DN có kim ngạch xuất khẩu nhẩu lớn với châu Âu cho biết, ngay khi Hiệp định EVFTA được ký, có hiệu lực, công ty đã có những bước triển khai cụ thể. Một số mặt hàng đã được đưa về thuế suất bằng 0%, cũng có mặt hàng được giảm thuế theo lộ trình 3 năm, 5 năm, 7 năm. Việc giảm thuế sẽ giúp chi phí đầu vào của mặt hàng nhập khẩu giảm và người tiêu dùng có lợi.

Tại buổi toạ đàm, ông Đinh Ngọc Thắng cho hay, Cục Hải quan TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội DN tổ chức tập huấn, giới thiệu các nội dung cụ thể liên quan đến các văn bản hướng dẫn mới nhất về Hiệp định EVFTA. Từ đó giúp các DN Việt Nam và EU nắm bắt và khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, cũng như nghĩa vụ phải thực thi.

Ông Thắng cũng cam kết sẽ tạo cơ chế giải quyết liên tục các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp trong việc thực hiện Hiệp định EVFTA.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.