Đời sống

Sau rắn hổ mây, người dân An Giang tiếp tục phát hiện cá thể rùa quý hiếm

25/05/2019, 17:56

Người dân phát hiện rùa quý, ngành chức năng vận động giao nộp để phục vụ công tác bảo tồn theo quy định của pháp luật.

img
Con rùa được cho là rùa nắp do ông Quang phát hiện

Ngày 25/5, 1 cá thể rùa lạ nặng khoảng 1kg được cho là rùa nắp được một người dân ở An Giang phát hiện.

Theo đó, chiều 24/5, ông Phạm Văn Quang (ngụ ấp Thanh Niên, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bơm nước vào ruộng lúa. Trong lúc đi kiểm tra, ông Quang phát hiện 1 con rùa to bò ngang. Qua quan sát, phần đầu và cổ rùa có 3 sọc vàng, trong đó có 1 sọc vàng kéo dài từ cổ đến mũi và phía trên mắt, mai rùa hình vòm nhô lên có màu xám đậm đến đen, yếm rùa có 2 mảnh màu vàng. Khi nghe tiếng động, rùa rút đầu và chân vào trong rồi đóng nắp lại bằng cách khép chặt 2 mảnh yếm để tự bảo vệ mình.

Ông Quang cho biết sẽ không bán mà giữ con rùa này lại nuôi để cho bà con lối xóm đến xem. Trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu, ông sẵng sàng giao nộp.

Thông tin cho báo chí, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, rùa nắp được xếp vào nhóm động vật quý hiếm. Trong trường hợp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người dân có quyền đăng ký nuôi vì mục đích thương mại, không được giết thịt, còn nếu tự bắt như trường hợp của ông Quang thì đơn vị sẽ vận động giao nộp phục vụ công tác bảo tồn theo quy định của pháp luật.

img
Yếm rùa gồm hai mảnh cử động được, cho phép rùa có thể đóng kín cơ thể bên trong mai

Rùa nắp hay còn gọi là rùa hộp lưng đen là động vật quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật cần được bảo tồn. Chúng sinh sống chủ yếu tại các vùng đầm lầy miền Nam Việt Nam. Số lượng của chúng đang giảm mạnh do bị săn bắt vô tội vạ.

Điểm đặc trưng của loại rùa này mà các loài rùa khác không có đó là yếm gồm hai mảnh cử động được, cho phép rùa có thể đóng kín cơ thể bên trong mai. Khi đó chúng trở nên bất khả xâm phạm vì không để hở bất kỳ một phần cơ thể nào. Khi đậy chặt nắp, kẻ thù dù khéo léo đến mấy cũng không thể xâm hại đến các phần mềm của cơ thể rùa.

Trước đó, người dân tỉnh An Giang cũng phát hiện 2 con rắn hổ mây ở chân núi Cấm. Ngày 20/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang thống nhất với phương án chọn nơi cặp rắn hổ mây này từng sinh sống để thả về, nhưng phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho con người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.