“Kẻ lên cân, người hốc hác”
Kết thúc kỳ nghỉ Tết, chị Nguyễn Mai H. (Cầu Giấy, Hà Nội) lắc đầu ngao ngán, nghỉ có 9 ngày mà kết quả giảm eo suốt 2 tháng của chị thành công cốc. Trước Tết, để có vòng eo thon gọn, ngoài hạn chế ăn, uống chị H. còn tốn không ít tiền để đi mát xa thẩm mỹ. “Thế nhưng, từ 30 Tết là vào bếp nấu nướng, món nào cũng ngon cả, không nhịn được miệng. Và kết quả là nhẹ nhàng lên đôi cân. Giờ lại buộc miệng vào khuôn khổ, chứ cứ đà này chưa biết chừng còn tiếp tục lên cân”, chị H. cho hay.
Chị Nguyễn Thùy L. (Hoàng Mai, Hà Nội) vốn có thể trạng thừa cân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Vẫn luôn ý thức được thể trạng của mình, nhưng Tết này, cậu em chồng từ nước ngoài về chơi đúng 7 ngày Tết. Chiều theo khẩu vị cậu em, nên đều đặn ngày đôi bữa hết món chiên, lại sang món xào. Nấu lên chả nhẽ không ăn. Chưa kể ra một miếng mứt, vào lại miếng ô mai. Có ít ngày Tết mà cảm nhận rõ ràng cơ thể nặng nề”, chị L. nói. Theo lời chị L., bình thường đi làm chị chỉ ăn chủ yếu một bữa trưa no, còn sáng và tối loại bỏ hẳn tinh bột. Chị L. cũng cho hay: “Chắc chắn phải tìm mọi cách giảm cân, không chỉ vì đẹp mà còn là bảo vệ sức khỏe nữa, mấy chỉ số mỡ máu và đường huyết đang ngấp nghé mức cảnh báo rồi”.
Ngược lại, chị Phạm Hồng Tr. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến cơ quan sau kỳ nghỉ Tết dài với khuôn mặc hốc hác. Chị Tr. than: “Hai vợ chồng “2 chốn, 4 quê”, đi lại nhiều mệt mỏi, thêm thời tiết Tết năm nay nắng nóng nên chả thiết gì ăn uống. Không phải mỗi mình sụt cân, mà cậu con trai vốn lười ăn, còi cọc, giờ thêm còi vì ăn uống lộn xộn mấy ngày Tết”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Nguyên nhân chính khiến nhiều chị em méo mặt vì “người tăng, kẻ giảm” là do trong dịp Tết cổ truyền các chị em buông các thói quen sinh hoạt với việc ăn uống điều độ và rèn luyện thể lực”. Tuy nhiên, số người tăng cân thường nhiều hơn. Bởi, thực phẩm mùa lễ hội có đặc trưng là giàu năng lượng, nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật, ít rau xanh, hay chỉ đơn giản như việc ăn nhiều hạt có dầu, mứt không kiểm soát được… Mỗi thứ thêm vào 1, 2 miếng khi vui miệng, chưa kể việc dùng thêm nước ngọt, lại giảm hoạt động thể lực khiến năng lượng tích lũy, nên tăng cân là dễ hiểu.
“Chỉ vài ngày nghỉ Tết nhưng có chị em tăng đôi, ba cân là chuyện thường. Thực phẩm giàu năng lượng ngày Tết nếu không được sử dụng đúng mực không chỉ là nguyên nhân gây tăng cân mà còn làm gia tăng các bệnh mạn tính, đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường...”, ông Hưng cho biết.
F5 cơ thể sau Tết cần kiên trì
Theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Trọng Hưng, kiểm soát tốt việc ăn uống, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh là cách giúp chị em phục hồi sức khỏe sau Tết và cả mùa lễ hội, tiệc tùng. Để lấy lại vóc dáng, sau Tết, chị em nên trở lại thói quen ăn đồ tươi, nấu những món ăn ít dầu mỡ và dưới dạng calo thấp. Thay các món chiên, xào bằng các món luộc; tăng rau xanh, hoa quả tươi.
Với chị em có dấu hiệu béo phì, giảm cân an toàn là quan trọng. Do vậy, bên cạnh tiết chế ăn để giảm năng lượng đầu vào, người béo phì phải tăng chế độ vận động, luyện tập để tiêu hao năng lượng. “Tiết chế chứ không phải là nhịn ăn, bởi nếu nhịn ăn có thể thấy rõ việc giảm cân nhưng lại gây thiếu hụt, rối loạn chất trong cơ thể, rất có hại cho sức khỏe”, BS. Hưng nói.
BS. Hưng cũng cảnh báo, chị em không nên áp dụng các chế độ ăn cắt giảm quá nhiều tinh bột, đường mà cần phải được cung cấp đủ, bởi các khuyến nghị đều nói các chất bột đường phải duy trì tối thiểu 50% năng lượng của cả ngày. Hơn nữa lưu ý, không nên áp dụng cách thức giảm cân nhanh, tức thì, cần kiên trì thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh để giảm cân an toàn. Trong quá trình thực hiện các giải pháp giảm cân, mọi người cần thường xuyên kiểm tra axit uric, chức năng gan, thận để kịp thời theo dõi sát sao, tránh những hệ lụy đáng tiếc.
“Còn với người gày yếu, cần duy trì nếp sinh hoạt khoa học với bữa ăn đều đặn, đảm bảo đủ chất để có sức khỏe tốt”, ông Hưng lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận