Xã hội

Bộ trưởng GD&ĐT cương quyết cho học sinh đến trường sau Tết Nguyên đán

19/01/2022, 11:32

Sáng 19/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc chuẩn bị đưa học sinh từ 12-18 tuổi quay trở lại trường học sau Tết Nguyên đán.

Gia tăng trẻ sang chấn tâm lý vì học online

Tại hội thảo trực tuyến toàn quốc chuẩn bị đưa học sinh từ 12-18 tuổi quay trở lại trường học sau Tết Nguyên đán do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19/1, ông Phạm Mạnh Hà, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng tới tất cả các mặt của đời sinh kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với ngành giáo dục và với học sinh.

Ngoài học tập, học sinh cần giao lưu, giao tiếp xã hội. Việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Nhiều trẻ khó tiếp thu kiến thức qua hình thức giảng dạy trực tuyến. Qua phản ánh của nhiều thầy cô giáo, phương thức này cũng làm thay đổi cả thầy và trò, gây áp lực cho thầy cô giáo khi vừa giảng dạy online vừa trực tiếp.

img

Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc chuẩn bị đưa học sinh từ 12-18 tuổi quay trở lại trường học sau Tết Nguyên đán

​Việc tiếp cận internet kéo dài dễ khiến trẻ lạm dụng game, điều này khiến nhiều trẻ rối loạn cảm xúc, hoang mang, lo lắng; Hay việc kiểm tra trực tuyến khiến trẻ chủ quan, hình thành thói quen xấu, gian dối trong kiểm tra.

Ông Hà cho biết thêm, theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân.

Theo nghiên cứu của ĐHQG TPHCM về các vấn đề sức khoẻ tinh thần của sinh viên cho thấy, 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: “2 năm qua ngành giáo dục liên tục có điều chỉnh thích ứng công tác dạy và học trong dịch bệnh. Với các vùng an toàn duy trì trực tiếp, nơi dịch bệnh phức tạp chuyển linh hoạt kết hợp các hình thức trực tuyến, trực tiếp, truyền hình.

Thời gian dài trẻ em không hoặc đến trường ít, không chỉ ảnh hưởng chất lượng giảng dạy, còn ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ và có tác động nhiều mặt xã hội.

Hiện cả nước tỷ lệ tiêm vaccine cao, thuốc điều trị có cải thiện, đặc biệt công tác điều trị phòng chống dịch, hiểu biết về dịch bệnh của người dân tốt hơn… với khuyến cáo của tổ chức quốc tế, kinh nghiệm trong chống dịch, chúng ta cần có điều chỉnh mở cửa trường học một cách an toàn, thích ứng như tinh thần Nghị quyết 128.

Có thể nói dịch bệnh luôn thay đổi, thì sự ứng phó cần luôn điều chỉnh linh hoạt.

Làm gì để mở cửa trường học an toàn?

Trong đợt dịch thứ 4, có hơn 130 nghìn cán bộ ngành giáo dục, học sinh, sinh viên mắc Covid-19. Tuy nhiên, tính đến ngày 18/1, có số ghi nhận mắc Covid-19 của ngành Giáo dục chỉ còn 1.392 người.

Số HS, GV được tiêm phòng vaccine Covid-19 đến thời điểm này 6,533 triệu người, đạt 90%, 70% đã tiêm mũi 2 và gần 30% đã tiêm mũi 3

Đến nay, có 14/63 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp; 43/63 tỉnh mở cửa đi học trở lại với khối mầm non; 46 tỉnh, thành phố đưa học sinh tiểu học đến trường; 53 tỉnh, thành phố cho học sinh từ lớp 7-12 học trực tiếp.

Theo ông Hà, với những hệ lụy của việc kéo dài thời gian học online với học sinh, sinh viên, đã đến lúc cần mở lại trường học. Theo đó, ông Hà đề xuất, cần có lộ trình đưa học sinh quay lại trường học, cần triệt để đổi mới phương thức học tập từ 100% trực tiếp hoặc 100% online sang hình thức dạy học kết hợp.

Bên cạnh đó cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo các nội dung chuyên môn, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện các ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học tập...

Còn theo Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 là Bắc Giang và TP.HCM cũng đã đưa học sinh tới trường. Với Bắc Giang, đã 481 nghìn học sinh đến trường, hiện có 48 học sinh lây nhiễm Covid-19; còn TP.HCM, với 153 nghìn học sinh đến trường, trong 20 ngày quay lại dạy học trực tiếp, có khoảng 120 giáo viên, học sinh lây nhiễm Covid-19. Nhìn vào con số cho thấy tỷ lệ lây nhiễm thấp.

"Chúng tôi đề xuất các cơ sở ngành giáo dục phối hợp y tế xây dựng kịch bản phương án an toàn khi quay lại trường với giải pháp cụ thể; triển khai hiệu quả công tác truyền thông, tư vấn cho cha mẹ học sinh, cộng đồng thấu hiểu”, ông Thanh Đề nói.

Chia sẻ về giải pháp đảm bảo an toàn khi trẻ qua lại trường học, ông Nguyễn Anh Trí, ĐB Quốc hội cho biết: Chúng ta phải chọn thời điểm cho trẻ đến trường với mục tiêu an toàn nhất chứ không thể an toàn quyệt đối. Và đây là thời điểm chúng ta nên chọn.

Để học an toàn phải bảo đảm 3 thời đoạn: Khi trẻ ở nhà, từ nhà đến trường và ở tại lớp học.

Trong đó, mọi người cần lưu tâm thời gian ở nhà là quan trọng nhất; việc xảy ra F0 tại lớp thì thường đưa mầm dịch đến từ nhà. Chính vì vậy, cần đảm bảo an toàn từ ngay trong mỗi gia đình, bao gồm việc bố mẹ tiêm chủng, giữ gìn 5K, bảo đảm an toàn nhất cho con.

"Muốn trẻ em đến trường an toàn thì mỗi gia đình phải an toàn, đảm bảo trẻ không lây bệnh trong chính gia đình", ông Trí nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các nhà trường, gia đình cũng linh hoạt việc bảo đảm an toàn khi trẻ đến trường; Ở nhà trường, sắp xếp cần thời gian, dung lượng học tập hợp lý nhất; không đặt đích quá cao vì đang trong giai đoạn rất khó khăn như hiện nay; xem xét thực hiện 3 tại chỗ ở vùng đỏ, vùng cam (việc học lại nghỉ rất ảnh hưởng); củng cố y tế nhà trường, thường xuyên theo dõi cho học sinh; tổ chức lại xét nghiệm, tiêm chủng vaccine...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ủng hộ việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Bởi hiện độ bao phủ vaccine cao, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng; Đồng thời sẵn sàng, tiếp nhận vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi.... Hơn nữa, tất cả các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đã đến thời điểm cần chọn học sinh từ 12 tuổi đến trường. Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng và cương quyết thực hiện việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.