Đô thị

Sau Tết, xe dù lại “bủa vây” bến xe

03/02/2023, 10:00

Tại khu vực quanh bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, hàng loạt xe khách, xe hợp đồng ngang nhiên biến lòng đường thành nơi đón trả khách, nhận hàng hóa...

Nhan nhản xe chạy rùa bò, xe dù bến cóc

img

Nhà xe ngang nhiên dừng xe ở lòng đường, bố trí nhân viên mời chào khách không khác nào bến di động (Chụp trên đường Phạm Hùng)

Sáng 1/2, đối diện tòa Vincom Plaza trên tuyến đường Phạm Hùng kéo dài đến ngã tư Phạm Hùng - Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ, xuất hiện hơn 20 xe từ 16 - 32 chỗ ngang nhiên dừng đỗ dưới lòng đường, khoảng cách mỗi xe chừng 20m. Lái, phụ xe đua nhau chèo kéo khách.

Ghi nhận của PV, chiếc xe Transit BKS 14B - 028.22 ghi lộ trình đi Cửa Ông - Móng Cái, Hà Nội - Mỹ Đình đỗ tại điểm đối diện toà Vincom Plaza, nhân viên đứng ra giữa đường mời chào. Cách đó 20m, chiếc xe Limousine BKS 19B - 010.79 dán lộ trình đi Phúc Yên - Vĩnh Yên - Việt Trì - Bãi Bằng - TX Phú Thọ còn bố trí 2 nhân viên đứng giữa đường mời khách đi xe, gửi hàng hoá.

Ngay nơi cắm biển cấm, chiếc xe khách của nhà xe Thuỷ Chính đi Vĩnh Yên - Việt Trì - Phú Thọ cũng vô tư dừng lại cả giờ đồng hồ để tiếp nhận hàng hoá.

Có mặt tại khu vực cổng Bến xe Mỹ Đình, PV chứng kiến cảnh bất kể hành khách nào đến là bị hàng chục xe ôm bủa vây hỏi đi đâu và khẳng định tỉnh nào ở đây cũng có xe. Kể cả tuyến Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình… đều có cả. Trong khi đây là các tuyến đã được điều chỉnh về hoạt động tại bến xe phía Nam ở Hoàng Mai, Hà Nội.

img

Xe chở khách nhưng bên trong nhà xe nhận đầy hàng hoá do "đói khách"

Trong vai hành khách có nhu cầu đi Thái Bình, PV được nhóm xe ôm chở đến số nhà 94 Trần Bình. Tại đây, hàng chục hành khách cùng đồ đạc lỉnh kỉnh đang ngồi trên vỉa hè chờ xe đến.

Nhà xe còn ngang nhiên trưng biển: “Vietbus Hà Nam - Nam Định - Thái Bình từ 5h30 - 8h tối” và thông tin số điện thoại để hành khách có nhu cầu liên hệ.

Hai hành khách về Nam Định ngồi đây tỏ ra bức xúc vì chưa thấy xe đến đón dù đã ở đây cả tiếng.

“Tôi cứ nghĩ nếu xuống Bến xe Giáp Bát phải đi xa nên tôi ra đây. Xe ôm chở tới đây, tưởng được đi luôn, không ngờ lại phải chờ lâu thế”, một người khách nữ nói.

Khoảng 20 phút sau, hành khách được nhân viên hướng dẫn lên xe trong sự ngạc nhiên khi trước mắt là chiếc xe ô tô 7 chỗ biển trắng, BKS 51K-567.68.

Để qua mặt lực lượng chức năng, lái xe đã đưa toàn bộ 6 hành khách đến khu vực Hoàng Mai sau đó mới chuyển sang xe khách.

Một hành khách tên Hiền, lần đầu qua điểm trên theo gợi ý của xe ôm cho biết: “Hành trình mình từ đây về Bắc Giang mất gần 200.000 đồng.

Xe ôm họ chở từ bến tới đây chưa tới 1km mà lấy 50.000 đồng, lên xe không được nhà xe đưa vé nhưng thu 120.000 đồng.

Xe liên tục dừng đỗ mời chào hành khách nên hành trình bị chậm lại. Hơn nữa xe quá cũ nát mà họ cũng hoạt động chở khách”.

Lắp đặt camera dọc tuyến để kiểm soát

img

Cận cảnh bến cóc trên đường Trần Bình, nơi nhiều người ngồi chờ xe thay vì vào bến mua vé

Đại diện một nhà xe tuyến Thanh Hoá đang có lốt xe hoạt động tại Bến xe Giáp Bát chia sẻ, theo lệnh điều chuyển, từ năm 2017 các xe tuyến Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình… phải về hoạt động tại bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm.

Tuy nhiên, quanh khu vực bến xe Mỹ Đình nhiều doanh nghiệp hoạt động trá hình, kinh doanh không lành mạnh.

“Họ lập văn phòng đại diện xong biến thành bến lậu để đón khách. Thay vì phải nộp phí bến bãi, họ dùng tiền đó để tặng hành khách cốc cafe, đồ ăn trong khi chờ…

Như vậy sao chúng tôi cạnh tranh nổi”, vị này nói và cho rằng, nếu tình trạng này không được xử lý, nhiều nhà xe chân chính sẽ phải bỏ bến.

Về vấn đề này, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết, để kiểm soát phương tiện vi phạm xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, có bố trí camera an ninh và camera phạt nguội nhưng không đủ dọc tuyến.

Việc tuần tra trực tiếp cũng không hiệu quả khi các nhà xe thông báo cho nhau khi lực lượng CSGT xuất hiện.

“Trong giờ cao điểm chúng tôi cắm chốt kiểm tra, xử lý, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng các nhà xe lại tái diễn vi phạm”, Thiếu tá Chinh nói.

Ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, để ngăn xe khách vi phạm, lực lượng liên ngành đã tổ chức khảo sát, thống nhất 12 vị trí đủ điều kiện theo quy định để đề xuất lắp đặt hệ thống camera giao thông ghi hình ảnh làm căn cứ phạt nguội trên tuyến đường Phạm Hùng và khu vực bến xe Mỹ Đình.

Cụ thể, 12 vị trí đề xuất lắp đặt gồm: 4 vị trí nằm trên đường Phạm Hùng; 5 vị trí tại các nút giao Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng (trước Cục Đăng kiểm VN), Nguyễn Hoàng - Trần Bình, Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết và Phạm Hùng - Duy Tân; 3 vị trí còn lại tại cổng ra bến xe Mỹ Đình, quảng trường bến xe và đường gom Đại lộ Thăng Long (trước tòa nhà Viglacera).

“Với hệ thống camera này, tôi tin không nhà xe nào dám dừng đỗ đón trả khách, ngay cả khi vắng bóng lực lượng chức năng”, ông Hiệp khẳng định.

Từ ngày 2/1 - 1/2, Đội CSGT số 6 đã xử phạt 139 trường hợp xe khách vi phạm, phạt tiền hơn 51 triệu đồng. Trong đó, 114 trường hợp dừng, đỗ, 17 trường hợp vi phạm tốc độ; tước GPLX đối với 6 trường hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.