Cần thiết ban hành quy chế phối hợp điều hành bay để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động thường lệ của hàng không dân dụng |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa chủ trì buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, đánh giá tình hình quản lý, phối hợp điều hành bay hàng không dân dụng và quân sự trong thời gian vừa qua và triển khai các công việc cấp thiết cần thực hiện trong thời gian tới.
Di chuyển hoạt động bay quân sự thường xuyên khỏi 3 sân bay lớn
Thông tin trên được Thiếu tướng Hoàng Viết Quang, Phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng xác nhận tại buổi làm việc. Cụ thể, theo Thiếu tướng Quang, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc chuyển các hoạt động bay huấn luyện quân sự thường xuyên của Không quân từ 3 sân bay lớn là: Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất đến các sân bay khác.
Trước đó, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đỗ Quang Việt đã báo cáo hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp giải quyết giữa hàng không dân dụng và quân sự. Trong đó, quan trọng nhất là việc di dời các hoạt động bay quân sự ra ngoài các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; Nghiên cứu điều chỉnh các khu vực cấm, khu vực hạn chế và công tác tổ chức quy hoạch lại các khu vực hoạt động bay quân sự; Ban hành quy chế phối hợp hàng không dân dụng khi có bắn đạn thật, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến hoạt động thường lệ của hàng không dân dụng; Xác định ranh giới đất giữa dân dụng và quân sự. |
Cụ thể, theo Thiếu tướng Quang, Trung đoàn KQ921 sẽ được chuyển từ sân bay quốc tế Nội Bài về sân bay Yên Bái. “Dự án sân bay Yên Bái đã động thổ từ tháng 7/2016, theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ quý II/2018”, Thiếu tướng Quang nói.
Tại Đà Nẵng, Trung đoàn KQ929 sẽ được chuyển về sân bay Chu Lai. Được biết theo kế hoạch, cơ sở hạ tầng của trung đoàn này sẽ được đưa vào sử dụng từ quý III/2019. Tương tự, Trung đoàn KQ929 sẽ chuyển từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về sân bay Cần Thơ, bắt đầu hoạt động từ quý II/2017.
“Đặc biệt, để tạo điều kiện cho hoạt động hàng không dân dụng tại Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương chỉ đạo đưa toàn bộ Trung đoàn KQ917 về sân bay Biên Hòa trong tháng 3/2016 để huấn luyện. Tháng 9/2016, tiếp tục chỉ đạo đưa Phi đội 2/Lữ đoàn KQ918 về sân bay Gia Lâm. Bộ Quốc phòng cũng đang chỉ đạo kiểm đếm tài sản, xác định ranh giới, dồn dịch máy bay cũ, hỏng, thống nhất phương án với các cơ quan liên quan của ngành Hàng không để sớm bàn giao 21ha sân đỗ quân sự ở Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT ngay trong tháng 10/2016”, Thiếu tướng Quang cho biết thêm.
Sẽ có Quy chế bay tầm thấp, quản lý chặt flycam
Liên quan tới đề nghị của Bộ GTVT về việc ban hành Quy chế bay tầm thấp trong vùng trời Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bay ngoài đường hàng không, Thiếu tướng Quang cho biết, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Cục Tác chiến chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu soạn thảo.
“Đây là nội dung mới, liên quan đến nhiều loại hình hoạt động bay, nhiều đối tượng sử dụng và chủng loại phương tiện khác nhau. Do vậy, cần có sự tham gia ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành liên quan”, Thiếu tướng Quang nói và cho biết, dự kiến Quy chế này sẽ được ban hành vào quý II/2017.
Đối với công tác quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, Thiếu tướng Quang cho biết đang thực hiện theo Nghị định 36/2008. Bộ Tổng tham mưu cũng đã giao Cục Tác chiến soạn thảo Thông tư “Quy định về khai thác tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Văn bản này dự kiến ban hành ngay trong tháng 11 tới. Cũng theo Thiếu tướng Quang, sẽ khuyến khích đưa các hoạt động này vào câu lạc bộ hàng không quản lý theo khu vực để đảm bảo an ninh, an toàn chung.
Khẳng định Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đều cơ bản thống nhất các nội dung đã và đang tiếp tục cần sự phối hợp chặt chẽ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, hàng không dân dụng chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu có sự quản lý, phối hợp này. “Hai bên cần phát huy tối đa thế mạnh của mình để cùng hợp tác, hỗ trợ phát triển”, Thứ trưởng Nhật nói và mong muốn trong thời gian tới các nội dung phối hợp đề cập sẽ được triển khai quyết liệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận