Công trường Quách Thị Trang nơi sẽ được xây dựng trung tâm thương mại ngầm tại tầng ngầm của nhà ga Bến Thành tuyến Metro số 1. Ảnh Đỗ Loan |
UBND TP.HCM đã giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP nghiên cứu dự án quy hoạch không gian ngầm trên toàn TP. Theo đó các dự án sẽ nghiên cứu triển khai trước là trung tâm thương mại tại các tuyến metro ngầm dưới đất...
3 dự án ngầm lớn tại khu vực tàu điện ngầm, bãi đậu xe khu trung tâm
UBND TP giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các sở ngành liên quan cần nghiên cứu đề án quy hoạch không gian ngầm dựa trên các phân tích khoa học, luận cứ kinh tế - kỹ thuật và môi trường - xã hội để đảm bảo sự cần thiết, khả thi và ổn định lâu dài.
Đồng thời quy hoạch không gian ngầm phải chú ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa chất công trình, thủy văn, vị thế và giá trị của công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẵn có ở dưới…
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, các dự án có sử dụng không gian ngầm lớn, tập trung các dự án tàu điện ngầm như tuyến metro số 1, 2, 3, 4… Các công trình dự án có xây dựng tầng hầm gồm khu vực trung tâm TP 930 ha là khu vực có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng.
Quy hoạch không gian ngầm cũng được tập trung tại 7 khu vực bãi đậu xe ngầm công cộng gồm sân vận động Hoa Lư, công viên Chi Lăng, sân bóng đá Tao Đàn, công viên 23-9, chợ Bến Thành-công viên Quánh Thị Trang, bờ sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng), công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng.
Tương lai TP.HCM sẽ có các khu trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất. |
Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, từ đặc điểm tình hình tại TP.HCM và kinh nghiệm các nước phát triển, việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm tại TP là nhu cầu rất cấp thiết. Tuy nhiên, công trình ngầm có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến địa chất, thủy văn và các công trình trên mặt đất.
Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND TP cho phép nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu quy hoạch để có các dự báo và định hướng sử dụng đất phù hợp với tình hình phát triển tương lai của đô thị.
Kinh nghiệm quy hoạch không gian ngầm ở một số nước trên thế giới
Tại Canada, xuất phát từ việc giải quyết tắc nghẽn tại trung tâm thành phố nhưng nhờ kết hợp dịch vụ và kết nối tốt với mặt đất nên Toronto và Montreal (Canada) đã hình thành những “thành phố ngầm” dẫn đầu trên thế giới cả về số lượng, quy mô và hiệu quả. Trong đó hệ thống không gian ngầm tại Toronto có thể coi là những “thành phố trong thành phố”.
Hệ thống thành phố ngầm Path (Toronto) bao gồm mạng lưới ngầm dành cho người đi bộ dưới lòng đường và trung tâm thương mại với 1.200 cửa hàng khác nhau, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày cho hơn 100.000 người. Path được bao quanh bởi 2 đường tàu điện ngầm, 6 trạm ga, 1 nhà ga đầu cuối quá cảnh khu vực và một bến xe buýt quốc gia kết nối hơn 50 tòa tháp văn phòng và các tòa nhà, 6 khách sạn lớn, 2 cửa hàng bách hóa lớn, hơn 20 nhà để xe đậu xe ngầm và các địa điểm quan trọng khác.
Trong khi các không gian ngầm ở Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ nằm dưới và xuyên qua các tòa nhà, các không gian ngầm tại Nhật Bản lại nằm dưới lòng đường. Phổ biến nhất là các trung tâm thương mại dịch vụ nằm dưới, bên cạnh các nhà ga xe lửa và liên kết trong lòng đất với ga Metro và các tòa nhà 2 bên đường phục vụ hàng triệu người mỗi ngày.
Nhiều cửa hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm tại Nhật được chủ động xây dựng theo dạng ngầm nhằm tránh ánh sáng mặt trời lọt vào làm thay đổi chất lượng sản phẩm. Ngược lại, các công trình như công viên, quảng trường, bệnh viện thì được ưu tiên xây dựng trên mặt đất.
Hiện nay hơn 60% các hoạt động giao thông chính của Tokyo là sử dụng phần không gian ngầm thông qua hệ thống metro khổng lồ và các không gian công cộng kết nối như nhà ga hoặc đầu mối giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận