Người lạm dụng rượu, bia sẽ có hại với sức khỏe và nguy cơ xảy ra TNGT khi điều khiển phương tiện (Trong ảnh: Người uống bia bị say, ngủ ngay tại bàn trong lễ hội bia 2015) - Ảnh: Ngô Vinh |
Theo kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2016 cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc trên bao bì các sản phẩm rượu, bia phải in cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra TNGT khi điều khiển phương tiện.
Văn hóa uống rượu, bia ngày càng méo mó
Theo Ths. Nguyễn Tuấn Phong, Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, sử dụng rượu, bia tham gia giao thông vẫn rất phổ biến ở Việt Nam và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 40% số vụ TNGT. Đặc biệt, trong những ngày Tết Nguyên đán, khoảng 80% số vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia. Về kinh tế, Ths. Phong cho biết, trong năm 2015, các vụ TNGT gây thiệt hại gần 3% GDP, trong đó có 1/3 liên quan đến bia, rượu.
Dưới góc độ văn hóa, nhà văn hóa Lê Thị Hoài cho rằng, rượu không chỉ là một thứ đồ uống phổ biến mà còn có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, điều đáng nói là lượng rượu, bia tiêu thụ càng tăng, văn hóa uống rượu, bia ngày càng méo mó, xuống cấp do bị lạm dụng thái quá.
"Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang tăng nhanh báo động. Năm 2015, ngành Rượu, bia đạt sản lượng 3,17 tỷ lít bia và khoảng 360 triệu lít rượu. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%, có đến 90% nam giới Việt Nam uống rượu, bia. 1/4 trong số này sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại”. Ths. Nguyễn Tuấn Phong |
“Tôi cho rằng, hiếm có quốc gia nào tiếp cận với rượu, bia dễ như ở Việt Nam. Trước đây chúng ta chỉ cấm quảng cáo với rượu 300 trở lên. Từ khi Luật Quảng cáo được ban hành mới cấm quảng cáo rượu từ 150 trở lên. Riêng bia và một số mặt hàng rượu có nồng độ cồn thấp hơn 150 hiện đang được quảng cáo tràn lan trong cả nước mà không có hình thức cảnh báo tác hại của việc lạm dụng nó”, bà Hoài nói.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, theo quy định hiện hành, rượu trên 150 cấm quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số loại rượu mạnh có thương hiệu đang được quảng bá với các hình thức tinh vi. Còn bia đang được xem như một loại thực phẩm và được quảng cáo tràn lan, trong khi đối với rất nhiều nước họ đã cấm quảng cáo cả bia. Ủy ban ATGT Quốc gia mong có một quy định chi tiết, đã cấm là phải cấm tuyệt đối dưới mọi hình thức.
“Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đến người dân và xử phạt người uống rượu, bia vi phạm giao thông, cần sự vào cuộc của chính những đơn vị sản xuất cung ứng rượu, bia ra thị trường thông qua việc khuyến cáo người dân khi sử dụng những đồ uống có cồn”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Lời cảnh báo được ghi trên vỏ lon bia do nước ngoài sản xuất |
In cảnh báo trên bao bì rượu, bia
Về việc sẽ xây dựng quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia, trong đó buộc trên bao bì sản phẩm phải in cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra TNGT khi điều khiển phương tiện, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội bày tỏ sự nhất trí cao và cho rằng, đó là một đề xuất tốt nhằm mục đích cảnh báo tác hại của rượu bia, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Theo ông Tiên, nếu việc này được thực hiện, mỗi khi cầm chai rượu hay bia để uống, người dân sẽ dè chừng và uống ít hơn. Về phía doanh nghiệp, ông Tiên cho rằng, không khó thực hiện. Có chăng, các doanh nghiệp chỉ lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu mà thôi.
Đồng quan điểm, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương cũng đề xuất phải đưa quy định này vào luật mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, phải đánh giá được tác động của việc này ảnh hưởng thế nào đến sản xuất kinh doanh của ngành Rượu bia.
Theo ông Khuất Việt Hùng, hiện bia không phải là đối tượng bị cấm quảng cáo nhưng nên có quy định về không gian, thời gian và đối tượng quảng cáo. Trên mỗi chai bia, chai rượu cần có khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không lái xe”.
“Chúng ta không cản trở trực tiếp vào vấn đề tiêu thụ, nhưng cần đưa ra khuyến cáo hành vi lạm dụng rượu, bia. Cần phải có hành lang quy định thông điệp quảng cáo và yêu cầu hành vi văn hóa cho bản thân, giúp những người sử dụng sản phẩm có văn hóa hơn”, ông Hùng khẳng định.
Đánh giá về hiệu quả của các hình thức cảnh báo trên sản phẩm rượu, bia, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, hiện đã có nhiều nước cảnh báo tác hại sức khỏe bằng hình ảnh hoặc bằng chữ lên nhãn rượu, bia. Vì vậy, nên cảnh báo bằng hình ảnh sẽ hiệu quả hơn so với việc cảnh báo bằng chữ.
Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia phải đưa các khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bến xe, trạm dừng nghỉ không bán rượu, bia cho người lái xe, thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận