Thị trường

Trình dự thảo Luật Điện lực sửa đổi trong tháng 7

15/03/2024, 22:01

Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu hoàn thành dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, trình Chính phủ trong tháng 7/2024.

Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Mục tiêu sửa đổi lần này là nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện; tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả…

Trình dự thảo Luật Điện lực sửa đổi trong tháng 7- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tổng công suất đặt hệ thống điện gấp 2 lần hiện nay (hiện nay khoảng 80.000 MW, đến năm 2050, tổng công suất đặt gấp khoảng 4 lần hiện nay.

Từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm, ông Diên đánh giá là một thách thức lớn, bởi một mặt vừa phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội; mặt khác, vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Như vậy ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được mục tiêu này", ông Diên nói.

Lãnh đạo Bộ Công thương nhắc lại, trong thời gian tới, chúng ta phải giảm tối đa nhiệt điện than, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn điện mới thân thiện với môi trường (khí, amoniac xanh, hydrogen) và khi điều kiện kinh tế cho phép có thể phát triển điện hạt nhân. Vì vậy, việc xây dựng ban hành Luật Điện lực lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

"Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được; hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Phù hợp với các cam kết quốc tế; Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, sạch; Phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…", ông Diên cho hay.

Ông Diên giao cho Ban soạn thảo phải gấp rút hoàn thành dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, để xin ý kiến công khai từ 20/3-29/3/2024. Phấn đấu, trình Chính phủ trong tháng 7/2024.

Luật Điện lực được ban hành từ năm 2004 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều.

Đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực là để phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi có nhiều hơn các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển ngành điện. Cùng đó, sự xuất hiện các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT - điện tái tạo) ngày càng nhiều.

Để thực hiện việc sửa đổi lần này, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 462 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ban soạn thảo gồm 47 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Phó Trưởng ban; các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc bộ và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, Viện nghiên cứu, Hiệp hội; đại diện Sở Công thương các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp ngành năng lượng.

Danh sách Tổ biên tập Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 136 thành viên, do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa là Tổ trưởng, 4 Tổ phó là lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Cục Điều tiết điện lực...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.