Muốn hết nợ phải mua hàng trị giá gấp đôi khoản nợ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) vừa đưa ra thêm phương án cấn trừ nợ bằng đồ gia dụng. Ngay lập tức, thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà đầu tư hiện đang là chủ nợ của Egroup.
Gạt nợ bằng thiết bị gia dụng là phương án mới nhất mà Egroup đưa ra, nâng tổng số phương án trả nợ của tập đoàn này lên con số 4. Các phương án trước đó bao gồm bất động sản, gói đầu tư tái cấu trúc các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh.
Theo đó, nếu chọn gạt nợ bằng thiết bị gia dụng, nhà đầu tư sẽ nhận lấy các sản phẩm của hãng Bells (Đức). Các sản phẩm được Egroup công bố đồng thời cả giá bán lẻ và gói sản phẩm. Trong đó, gói có giá trị thấp nhất khoảng 36 triệu đồng, cao nhất hơn 90 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ được trả nợ số tiền tương ứng gần 50% giá trị món hàng, hơn 50% còn lại họ sẽ phải trả bằng tiền. Điều này có nghĩa, để thu nợ (bằng sản phẩm), nhà đầu tư sẽ phải bỏ thêm tiền (50% số nợ). Lấy ví dụ, nhà đầu tư có khoản nợ 100 triệu đồng, muốn tất toán 100%, sẽ phải bỏ ra thêm 100 triệu để nhận về số hàng hoá tổng trị giá 200 triệu. Phương án này được áp dụng cho mọi nhà đầu tư, không phân biệt giá trị dư nợ với công ty.
Sản phẩm đồ gia dụng được Egroup đưa ra để gạt nợ đối với các nhà đầu tư trái phiếu
Nhà đầu tư lo mất thêm tiền
Sau khi nhận thông báo về việc gạt nợ bằng đồ gia dụng, bà N.T.T cho biết: "Tích góp được gần 1 tỷ đồng, tôi đầu tư trái phiếu Egroup của Shark Thủy với mong muốn kiếm chút lãi để bà cháu nuôi nhau qua ngày. Sau khi không nhận được lãi, tôi thường xuyên lên công ty với mong muốn họ trả lại số gốc nhưng gần như “bặt vô âm tín”.
Chính vì những lần thất hứa của Egroup, bà T khẳng định sẽ không đặt lòng tin vào bất kỳ phương án gạt nợ nào mà họ đưa ra. Trao đổi với Báo Giao thông, nhà đầu tư này cho biết tất cả số tiền đã đổ hết vào trái phiếu, giờ chạy ăn từng bữa để nuôi cháu bị tăng động lấy đâu ra tiền để mua đồ gia dụng hay các sản phẩm khác của họ.
Chủ nợ căng băng rôn để đòi lại tiền đã đầu tư vào Egroup của Shark Thủy
Chị P.T.D, một phụ huynh bỏ tiền cho con đi học tại trung tâm Anh ngữ Apax English (thuộc hệ sinh thái của Egroup) nhưng chỉ được một thời gian thì trung tâm dừng hoạt động và còn dư nợ gần 20 triệu đồng. Mặc dù đã nhiều lần yêu cầu trung tâm hoàn thành nghĩa vụ đào tạo, hoặc trả lại tiền nhưng trong thời gian rất dài không được giải quyết khiến chị rất bức xúc.
"Trong trường hợp Apax English gán nợ bằng đồ gia dụng tôi sẽ không đồng ý. Bởi tôi có nhu cầu cho con đi học chứ không có nhu cầu mua đồ gia dụng”, chị T khẳng định.
Sản phẩm định giá cao, nhà đầu tư thiệt kép
Lấy tay gạt nước mắt khi nhắc đến khoản gốc hơn 5 tỷ đổ vào trái phiếu của Egroup, chị N.T.H bức xúc: “Đưa ra phương án gạt nợ bằng đồ gia dụng đã thấy buồn cười rồi vì như khoản 5 tỷ của tôi trả bao nhiêu sản phẩm cho hết, chưa kể tôi lấy đâu ra 2,5 tỷ nữa? Mặt khác tôi còn nghi vấn giá trị sản phẩm có bị đội lên, khác nào chủ nợ chúng tôi phải bỏ thêm tiền mua hàng giá cao?”.
Để làm rõ nghi vấn của chị H, Báo Giao thông khảo sát trên các sàn thương mại điện tử một số mặt hàng Egroup đưa ra nhằm gạt nợ. Sản phẩm máy rửa bát 15 bộ đĩa âu có kích thước 598x600x845 được Egroup đưa ra với giá 28,5 triệu đồng nhưng tại cửa hàng bếp Đức Thành (362B Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) đang bán chỉ với giá 17 triệu đồng, bảo hành lên đến 10 năm.
Khóa cửa thông minh Bells niêm yết giá 15,5 triệu đồng/bộ
Tương tự, khóa điện tử Bells tích hợp camera thông minh vật liệu hợp kim nhôm Titalium alloy Egroup đưa ra mức giá 16,5 triệu đồng, chênh lệch 1,5 triệu đồng so với giá của hãng Bells...
Việc định giá cao tài sản gạt nợ không chỉ với sản phẩm gia dụng. Trước đó, Báo Giao thông đã có bài viết “Bị gán tài sản giá cao, trái chủ thành con nợ” phản ánh tình trạng này.
Theo đó, Egroup chọn ra 2 dự án bất động sản để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất gồm: Một dự án tại Thanh Hóa, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á, đang có 75 lô đất, diện tích từ 100-194m2, giá bán đổ đồng là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được gạt nợ 100 triệu đồng, phải vào thêm tiền 200 triệu đồng.
Thứ 2 là 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Chương Mỹ, Hà Nội, Egroup thông tin, nhà đầu tư được gạt nợ 6 tỷ đồng và phải đóng thêm vào 6,5 tỷ đồng để sở hữu biệt thự 12,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, những lô đất tương tự dự án Egroup đưa ra ở Thanh Hóa chỉ có giá thị trường dao động 100-150 triệu đồng/lô, thấp hơn một nửa so với công ty này định giá.
Hay với dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas Chương Mỹ, giá bán biệt thự đang “cắt lỗ” chỉ còn 10 tỷ đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận