MV “Chơi vơi” của Bằng Cường bị tố đạo “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP |
Nếu việc đạo nhạc đang trở thành vấn nạn trong làng giải trí, thì mảng music video (MV) dường như cũng không nằm ngoài quỹ đạo này.
Không có chuyện trùng hợp ý tưởng
Ngay khi vừa ra mắt, MV Get Down được tuyên bố đầu tư kinh phí lên tới hàng tỷ đồng của Isaac có nhiều điểm na ná, tương đồng với nhiều sản phẩm âm nhạc của nhóm Big Bang (Hàn Quốc). Không chỉ ở phần nhạc của hai ca khúc Get Down và Bang Bang Bang, mà ngay cả hình ảnh, bối cảnh cũng “bị tương đồng” giữa MV Get Down ra sau với Bad Boy và Ringa Linga (nhóm Big Bang) ra trước đó.
Mới đây, MV Chơi vơi của ca sĩ Bằng Cường và MV Chúng ta không thuộc về nhau của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng tương đồng về hình ảnh, góc quay. Bản thân MV Chúng ta không thuộc về nhau là một sản phẩm được nhiều nhà chuyên môn khẳng định là đạo nhái. Hình ảnh xoay quanh một bác sĩ tạo hình, anh tạo ra những người phụ nữ để sở hữu nhưng họ cũng rời bỏ anh. Thì trong MV Chơi vơi, Bằng Cường vào vai một chàng thợ may thường xuyên làm việc với các ma-nơ-canh. Trong giấc mơ, anh thấy nhiều cô gái xinh đẹp yêu mình nhưng khi tỉnh giấc, họ đã bỏ đi và chỉ còn anh đơn độc với những ma-nơ-canh vô tri, vô giác.
Thời gian qua, không ít các MV ra mắt bị dính nghi án đạo nhái như Người ở lại (Cao Thái Sơn), Âm thầm bên em (Sơn Tùng M-TP), Monalisa (Văn Mai Hương), Khói độc (Hồ Quang Hiếu), Summer With Me (Việt My)… Hầu hết các ca sĩ đều chỉ im lặng hoặc giải thích đây là sự trùng hợp ý tưởng. Cá biệt, ca sĩ Hồ Quang Hiếu sau khi vấp phải những ý kiến trái chiều về MV Khói độc đã cắt bỏ cảnh có hình ảnh bị tố sao chép từ MV Bad của nhóm nhạc Hàn Quốc Infinite.
Đáng nói là sau những lùm xùm về nghi án đạo nhái, các MV vẫn tiếp tục hoạt động và những ồn ào lại lắng xuống rồi rơi vào quên lãng. Nói về điều này, đạo diễn Triệu Quang Huy chia sẻ ngắn gọn: “Khán giả có quyền nói đạo. Còn nhà sản xuất có thể thoát và vẫn kiếm tiền nếu chủ sở hữu không kiện”. Trong khi đó, Vũ Lâm - đạo diễn của hàng loạt MV ca nhạc như: Cao nguyên đá (Ngũ Cung), Phố không mùa (Dương Trường Giang - Bùi Anh Tuấn), Giữ lại hạnh phúc (Thu Phương)… chỉ ra, có nhiều cách để biết một MV có đạo hay không. Đó là tình huống kịch bản, phong cách quay và cách làm mỹ thuật, màu sắc. “MV có ba phần quan trọng nhất là mở đầu, cao trào (phần điệp khúc của bài hát - PV) và phần kết. Ba phần đó sẽ quyết định đạo diễn lấy gì và có gì. Tôi nghĩ, không có chuyện trùng hợp ý tưởng, vì trùng hợp đến mức mình nhìn ra được thì chỉ có bắt chước thôi”, anh nói.
Thiếu tự trọng khi đạo nhái
Đạo diễn Vũ Lâm nhìn nhận, sự phát triển của làng nhạc thế giới phần nào ảnh hưởng tới giới giải trí Việt Nam. Nhiều người xem video ca nhạc thế giới khi thực hiện MV của mình, vô thức bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên, có một số trường hợp cố tình làm giống để tạo tranh cãi dư luận, gây chú ý tới sản phẩm của mình”, anh khẳng định.
Không chỉ vậy, việc đạo MV cũng dễ hơn đạo những thứ khác, vì chỉ cần bắt chước bằng hình ảnh. Mức độ ảnh hưởng của MV không đáng kể, không gây thiệt hại cho ai nên ít khi bị kiện. Những người làm phim, làm video ca nhạc luôn phải tự bảo vệ mình, đạo diễn Vũ Lâm tiếp tục chia sẻ.
Đồng quan điểm với đạo diễn Vũ Lâm, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, việc đạo nhái MV liên quan đến Luật Bản quyền, nhưng dường như không ai thực hiện điều này nên cơ quan chức năng cũng không xử lý bất cứ trường hợp nào vi phạm. Trong khi đó, việc đạo video ca nhạc lại dễ phát hiện hơn rất nhiều, vì nó thể hiện bằng hình ảnh rõ ràng chứ không phải qua việc nghe để thẩm định như một bản nhạc.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh khẳng định: “Đó là sự xuống cấp của làng nhạc và sự thiếu tự trọng của những người làm nghề, cứ nhận là của mình nhưng thực chất toàn ăn cắp của người khác. Một khi những người làm nghề không có lòng tự trọng thì nền âm nhạc khó mà phát triển tốt đẹp được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận