Thị trường

Silicon Valley Bank phá sản: Người gửi tiền ở Việt Nam được bảo vệ ra sao?

15/03/2023, 06:30

Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ Ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ và có hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ người gửi tiền.

Được bảo hiểm tiền gửi, mức chi trả tối đa 125 triệu đồng

Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các phương án tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém gồm mua lại 0 đồng, cho sáp nhập và phá sản, nhưng từ trước đến nay, Việt Nam chưa có tiền lệ ngân hàng phá sản.

Tuy nhiên, từ vụ việc Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ phá sản khiến các thị trường tài chính rối loạn, nhiều người đặt câu hỏi: "Nếu ở Việt Nam có một ngân hàng phá sản hay mất khả năng chi trả thì người gửi tiền có mất trắng?".

Trao đổi với PV Báo Giao thông xung quanh những băn khoăn trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu liên hệ đến diễn biến tại Mỹ và cho biết, người gửi tiền tại Mỹ được bảo vệ bởi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Theo đó, tất cả người gửi tiền tại ngân hàng Silicon Valley Bank được bảo vệ hoàn toàn, với hạn mức bảo hiểm thông thường của FDIC là 250.000 USD/người/loại tài khoản tại mỗi ngân hàng (mỗi người có thể có nhiều tài khoản).

“Tức là, những người nào gửi tiền dưới mức 250.000 USD thì nhận được hoàn toàn số tiền bồi thường tối đa là 250.000 USD; còn mức tiền gửi trên 250.000 USD thì trước hết, họ được FDIC bồi thường 250.000 USD, phần còn lại phải đợi ngân hàng được thanh lý. Nếu thanh lý còn tiền, FDIC mới trả tiếp số tiền còn lại theo tình hình tài chính sau thanh lý”, ông Hiếu giải thích và cho hay, diễn biến tại Việt Nam cũng giống như vậy.

Theo đó, tại Việt Nam, hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi hiện nay được quy định tại Quyết định 32.

Cụ thể, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi ngân hàng phá sản là 125 triệu đồng.

Như vậy, nếu một ngân hàng ở Việt Nam phá sản, người gửi tiền sẽ nhận tối đa 125 triệu đồng (tiền bảo hiểm tiền gửi) nếu mức tiền gửi dưới 125 triệu đồng. Còn mức tiền gửi trên 125 triệu đồng, ngoài mức bồi thường 125 triệu đồng, thì người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Vị chuyên gia cũng cho biết, bảo hiểm tiền gửi là quy định chung, nên người gửi tiền không được mua thêm bảo hiểm tiền gửi.

"Bảo hiểm tiền gửi đại diện cho quốc gia. Ở Mỹ, dù công ty bảo hiểm là tư nhân, nhưng thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ liên bang. Ở Việt Nam, quy định này cũng do Chính phủ quyết định”, ông Hiếu lý giải.

Việt Nam không ảnh hưởng trực tiếp từ vụ SVB

Đánh giá về diễn biến của SVB tới hệ thống ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho hay, Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp vụ việc này.

Theo bà Carolyn Turk, sau vụ Silicon Valley Bank sụp đổ sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó là những ảnh hưởng của các sự kiện địa chính trị phức tạp, lạm phát cao trên thế giới, tăng trưởng chậm lại của khu vực dịch vụ.

Ngoài ra, sức tiêu dùng suy giảm và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân…Tuy nhiên, Việt Nam có dư địa để phát triển và đạt tăng trưởng kinh tế tốt hơn nữa.

Chuyên gia kinh tế tài chính, TS Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, việc ngân hàng SVB đóng cửa không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cũng như các hoạt động kinh tế tài chính khác ở Việt Nam.

img

Vụ Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, được giới chuyên môn nhận định không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng sẽ có ảnh hưởng tâm lý đến một số giao dịch trên thị trường tài chính

Cơ sở đưa ra lập luận này, ông Thành phân tích, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước quản lý tốt hoạt động của các ngân hàng, trong đó cả những ngân hàng chưa thực sự bền vững. “Những ngân hàng chưa bền vững sẽ được đưa vào danh sách các ngân hàng cần được theo dõi, kiểm soát", ông Thành nói.

Một chuyên gia khác đánh giá, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp về mặt tài chính do không có quan hệ kinh doanh gì với SVB. Thị trường chứng khoán cũng tương tự. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp vẫn có nhưng sẽ chỉ tác động tâm lý trong một vài phiên giao dịch.

Vẫn còn dư địa tài khóa để hành động

Cho rằng, trong thời gian tới, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Việt Nam, Giám đốc WB Việt Nam góp ý, Việt Nam cần tăng cường các công cụ quản lý đầu tư công cũng như đảm bảo việc thực hiện ngân sách một cách có hiệu quả. Việc này không chỉ đóng góp vai trò cho sự phục hồi sau giai đoạn Covid-19 mà còn quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Chuyên gia của WB khẳng định, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động.

Theo bà, trong ngắn hạn, Việt Nam nên đặt trọng tâm vào việc triển khai dự toán chi đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong gói chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số và cơ sở vật chất.

WB cũng cho rằng, Việt Nam cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, được phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu chính sách tài khóa, qua đó có thể kiểm soát được lạm phát nhưng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Bà Carolyn Turk cho biết, trong nền kinh tế Việt Nam, cũng có vấn đề về thắt chặt tiền tệ và vấn đề về thanh khoản, đặc biệt tại một số ngân hàng nhỏ.

“Và điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát tài chính. Các cơ quan quản lý ngân hàng cần phải nắm vững những gì xảy ra, cần có dữ liệu cũng như khả năng để hành động vào thời điểm phù hợp”, bà Carolyn Turk chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc WB tại Việt Nam, Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn nếu có sự tiếp cận tốt hơn về đầu tư công cũng như có sự mạnh hơn trong việc quản lý chi tiêu công nói chung. Đặc biệt có sự linh hoạt hơn trong việc điều chuyển chính sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.