Quản lý

Sở GTVT TP.HCM: Dỡ tường chắn đường ven sông Sài Gòn là cấp bách

27/10/2023, 10:11

Sở GTVT TP.HCM đề nghị dỡ bức tường chắn đường ven sông giữa 2 khu dân cư Vinhomes và Saigon Pearl đồng thời cho biết đang nghiên cứu đầu tư hoàn thiện đường ven sông Sài Gòn dài gần 4km, từ cầu Ba Son đến Bình Triệu.

Sở GTVT TP.HCM vừa có công văn gửi UBND TP về kết quả rà soát kết nối đường ven sông Sài Gòn đoạn qua khu dân cư Vinhomes và khu dân cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh).

Đơn vị đề nghị chủ đầu tư của dự án hai khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes khẩn trương hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, bàn giao hạ tầng cho cơ quan Nhà nước quản lý. Cụ thể là lộ giới đường D1 (khu dân cư Vinhomes) và D4 (khu dân cư Saigon Pearl). 

Sở GTVT TP cho biết, hiện tuyến đường ven sông Sài Gòn chưa được kết nối liên tục từ cầu Ba Son đến cầu Kinh Thanh Đa. Con đường mới chỉ được đầu tư đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn và chưa đồng bộ về chiều rộng. 

Cụ thể, đoạn qua khu dân cư Vinhomes Central Park đã được đầu tư theo lộ giới 35m. Còn đoạn đi qua dự án Saigon Pearl và đoạn đi qua trường tiểu học và trung học cơ sở phường 22, quận Bình Thạnh hiện chỉ rộng 15m.

"Việc thay đổi bề rộng mặt cắt ngang đột ngột gây khó khăn cho người lái xe, tại các vị trí nút thắt cổ chai sẽ gây ùn ứ cục bộ, tiềm ẩn nguy hiểm", Sở GTVT TP nêu. 

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cũng đánh giá đường ven sông ra đường Nguyễn Hữu Cảnh (qua đường dân sinh cầu Thủ Thiêm) có bề ngang hẹp, khoảng 7m. Đoạn đường không đảm bảo khả năng thông hành và nguy cơ phát sinh ùn tắc tại vòng xoay dưới chân cầu Thủ Thiêm và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Sở GTVT TP.HCM: Dỡ tường chắn đường ven sông Sài Gòn là cấp bách  - Ảnh 1.

Bức tường chắn đường ven sông Sài Gòn tại hai khu dân cư Saigon Pearl và Vinhomes khiến đường ven sông chưa thể khai thông. Ảnh: Đăng Thư

Hiện đường ven sông mới là đường nội bộ, chưa thông suốt từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng. Do đó, Sở GTVT nhận định việc tháo dỡ bức tường chắn đường ven sông là rất cần thiết, cấp bách. Bức tường khi phá dỡ sẽ thuận lợi cho người dân tập thể dục, đi lại và phù hợp cảnh quan.

Do đó, Sở GTVT đề nghị trong thời gian chưa đầu tư hoàn thiện đường ven sông Sài Gòn theo quy hoạch, khu vực tạm thời tổ chức giao thông nội bộ. Các loại xe máy, xe đạp, xe điện công cộng, người đi bộ được qua lại, trừ taxi và xe buýt.

Sở GTVT TP cho biết đơn vị đang phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu phương án đầu tư đường ven sông Sài Gòn đoạn qua khu vực trung tâm.

Cụ thể, đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn dài khoảng 1,95km, quy mô rộng 35m với tổng mức đầu tư khoảng 1.781 tỷ đồng. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Bình Triệu với chiều dài khoảng 1,98km, rộng từ 20m đến 35m với khoảng 2.271 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT, việc đầu tư tuyến đường ven sông theo đúng lộ giới quy hoạch, đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Kinh Thanh Đa để kết nối vào quốc lộ 13 (dự án BOT quốc lộ 13 đã được HĐND TP thông qua) là cần thiết.

Dự án góp phần giảm áp lực giao thông trên các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, tạo trục đường mới xuyên suốt kết nối các quận 7, 4 và huyện Nhà Bè với các quận, thành phố khu vực đông bắc TP.

Sở GTVT TP.HCM: Dỡ tường chắn đường ven sông Sài Gòn là cấp bách  - Ảnh 2.

Bờ sông Sài Gòn đoạn qua quận Bình Thạnh bị nhiều công trình chia cắt tuyến đường ven sông. Ảnh: Đăng Thư

Vì vậy, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP phối hợp với quận Bình Thạnh rà soát, tham mưu điều chỉnh lộ giới tuyến đường D4 (đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến dự án khu dân cư Vinhomes Central Park). Việc này nhằm đảm bảo đồng bộ lộ giới quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư dọc đường ven sông Sài Gòn, tổ chức nghiên cứu và hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường ven sông Sài Gòn (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Bình Triệu).

Trong đó đề xuất quy mô, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư từng giai đoạn cụ thể, báo cáo Sở GTVT TP tổng hợp trình UBND TP xem xét.

Sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256km, chảy qua địa phận Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM. Trong đó, TP.HCM có khoảng 80km sông chảy qua theo hướng bắc - nam, từ huyện Củ Chi dọc qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức cũ, quận 1, quận 2 cũ, quận 4 và quận 7.

Tuy nhiên, hiện 80km sông này chưa được khai thác hết tiềm năng, khiến người dân dù sống hai bên bờ vẫn chỉ tiếp cận được một diện tích khiêm tốn.

Theo quy hoạch, đoạn 1 của tuyến đường ven sông từ chân cầu Ba Son kéo dài tới rạch cầu Thị Nghè, với chiều dài khoảng 800m. Đến nay, đoạn đường ven sông dọc tuyến Tôn Đức Thắng, bến Bạch Đằng đã được hình thành, tuy nhiên đang bị ngắt quãng với 3km đường ven sông còn lại.

Đoạn 2 của tuyến đường dài khoảng 1,1km, từ đoạn cuối khu Ba Son sẽ kết nối tiếp với đường ven sông bắc qua rạch Thị Nghè, kéo dài qua cầu Thủ Thiêm và chạy đến cuối khu dân cư Saigon Pearl.

Đoạn cuối đường ven sông dài khoảng 920m (phần lớn đã có sẵn đoạn đường thuộc khu dân cư Vinhomes, kết nối từ bức tường ở Saigon Pearl về hướng cầu Sài Gòn).

Vinhomes bàn giao 920m đường ven sông Sài Gòn cho TP.HCMVinhomes bàn giao 920m đường ven sông Sài Gòn cho TP.HCM

Chủ đầu tư khu dân cư Vinhomes Central Park đề nghị bàn giao lại cho thành phố quản lý đường D1-D19, trong đó có phần đường thuộc tuyến đường ven sông Sài Gòn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.