Khoảng trống về luật
Trẻ em ngồi trên xe nếu không thắt dây an toàn hoặc ngồi ghế không đúng kích thước có nguy cơ gặp chấn thương nặng, thậm chí tử vong nếu xảy ra TNGT.
Việt Nam chưa quy định nhưng thực tế đã có nhiều bậc cha mẹ sử dụng ghế chuyên dụng để bảo vệ an toàn cho con em mình (Ảnh minh họa)
Mới đây, chiều 24/2, tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khi một chiếc ô tô đâm vào ta-luy khiến bé trai 7 tuổi trên xe ô tô tử vong.
Theo lực lượng chức năng, trên xe không có ghế dành riêng cho trẻ em và khi xảy ra va đập, hậu quả nghiêm trọng hơn. Và đây cũng là thực tế tồn tại từ nhiều năm nay ở nước ta.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Giảng viên Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do TNGT. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TNGT liên quan đến trẻ em là nguyên nhân hàng đầu gây thiệt mạng cho nhóm tuổi từ 5 - 29 tuổi.
Cũng theo một thống kê, trong số các vụ TNGT chết người, có đến 16% liên quan đến trẻ em. Hàng năm, thế giới mất khoảng 800 triệu USD xử lý các vấn đề liên quan đến tử vong và chấn thương của trẻ em do tai nạn.
Cho biết trên thế giới có hơn 80 quốc gia có luật bảo hộ trẻ em, ông Nguyễn Minh Hiếu nhìn nhận, Việt Nam chưa luật hóa việc sử dụng thiết bị bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có quy định về vị trí ngồi cho trẻ em trên xe. Đây là khoảng trống trong quy định pháp luật hiện nay.
Không những vậy, ở các nước kém phát triển, tỷ lệ sử dụng ghế chuyên dụng còn hạn chế và việc sử dụng loại ghế này cũng chưa đúng cách.
Có đến hơn 20% trẻ em dưới 12 tuổi không được sử dụng ghế chuyên dụng và trên 50% các bậc cha mẹ cho biết có mua ghế nhưng không quan tâm cân nặng của em bé.
Những lỗi chọn ghế sai lứa tuổi, sai cân nặng, thậm chí lắp đặt không tương thích đối với phương tiện diễn ra phổ biến.
Theo ông Hiếu, trong điều kiện tốc độ sở hữu ô tô ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng thì đây là nhu cầu bức thiết. Đơn cử, ở Hà Nội, tỷ lệ sở hữu xe con tăng hơn 114%/năm trong giai đoạn 2014 - 2018.
Bên cạnh đó, hiện cũng bùng nổ dịch vụ vận tải công nghệ ở nhiều địa phương trong cả nước. Việc bảo vệ trẻ em sẽ như thế nào khi nhu cầu sử dụng dịch vụ này ngày càng gia tăng. Vì vậy, quy định ghế chuyên dụng và đai chuyên dụng cho trẻ em có thể coi là vấn đề cấp bách hiện nay.
Khẳng định đây là giải pháp đảm bảo an toàn, giảm đáng kể nguy cơ tử vong cũng như mức độ nghiêm trọng khi không may xảy ra tai nạn cho trẻ em, TS. Hiếu cho biết thêm, ở Mỹ đã thống kê, rủi ro tử vong giảm đến trên 70% đối với trẻ em dưới 1 tuổi và trên 50% đối với trẻ em từ 1 - 4 tuổi khi sử dụng thiết bị ghế chuyên dụng.
Độ rủi ro tai nạn nghiêm trọng cũng giảm trên 40% đối với trẻ em từ 4 - 8 tuổi. Chính vì vậy, việc sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em khá phổ biến ở các nước phát triển với tỷ lệ sử dụng lên đến 90%.
Cân nhắc quy định, lộ trình thực hiện
Cũng theo TS. Nguyễn Minh Hiếu, các quốc gia có quy định đa dạng về sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em. Có nhiều quốc gia quy định trẻ em dưới 12 tuổi phải ngồi hàng ghế phía sau.
Nhiều nước ở châu Âu có tiêu chuẩn rất cao, ở Áo là dưới 14 tuổi, trong khi đó ở Đức, Anh quy định trẻ dưới 12 tuổi phải có ghế chuyên dụng.
Ngoài ra, căn cứ vào chiều cao, ở Đức là dưới 1,5m và ở Anh là dưới 1,35m. Ở Úc, trẻ em dưới 7 tuổi phải có thiết bị bảo hộ khi đi ô tô. Ở Mỹ, Anh coi việc không tuân thủ thiết bị bảo hộ cho trẻ em là vi phạm pháp luật.
Đối với xe kinh doanh vận tải, TS. Hiếu cho biết, hiện cũng đã có quy định thiết bị bảo hộ trẻ em trên phương tiện kinh doanh vận tải.
Đối với taxi, tuy không bắt buộc phải có thiết bị chuyên biệt bảo vệ trẻ em trên xe nhưng một số bang ở Úc khuyến cáo xe taxi phải có thiết bị cho người sử dụng, xe phải có chốt và móc khóa để cố định ghế chuyên dụng trên xe. Đối với xe buýt đô thị không yêu cầu vì việc tích hợp ghế chuyên dụng rất khó khăn.
Đối với xe buýt đường dài, không bắt buộc có ghế chuyên dụng nhưng lại yêu cầu các ghế xe phải có dây an toàn 3 điểm.
“Nên quy định bắt buộc sử dụng thiết bị chuyên dụng cho trẻ em trên xe con cá nhân. Để quy định này thành hiện thực cần trả lời được nhiều câu hỏi như thế nào là xe con cá nhân? Thế nào là trẻ em phải thực hiện quy định sử dụng ghế chuyên dụng?”, ông Hiếu nói và thông tin thêm: Thông thường các nước phát triển quy định trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 1,35m.
TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, mặc dù chúng ta chưa có quy định nhưng thực tế đã có nhiều bậc cha mẹ sử dụng ghế chuyên dụng để bảo vệ an toàn cho con em mình.
Với quy định này, khi đưa ra sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội. Những loại ô tô khi bán vào thị trường Việt Nam đều có đầu chờ sẵn sàng đón nhận ghế chuyên dụng cho trẻ em.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, việc lắp đặt ghế chuyên dụng cũng cần quy định rất cụ thể. Nhiều nước khuyến cáo lắp đặt ở các vị trí không có túi khí, tránh bị ngạt thở cho trẻ em khi túi khí bung.
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho hay, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Viên năm 1968.
Trong Công ước này, Ủy ban Kinh tế châu Âu đã chia làm 5 loại với ghế chuyên dụng cho trẻ em theo cân nặng và độ tuổi. Luật GTĐB của Lào 2012 cũng quy định rõ trẻ em phải thắt dây an toàn và sử dụng ghế chuyên dụng trong ô tô.
Luật GTĐB của Campuchia cũng quy định trẻ em dưới 10 tuổi không được phép ngồi hàng đầu ghế ô tô nếu không có người lớn kèm hoặc không có dây an toàn.
Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho hay, hiện dự thảo sửa đổi Luật GTĐB năm 2008 trình Quốc hội đã quy định bắt buộc phải thắt dây an toàn đối với tất cả người ngồi trên ghế trên phương tiện có dây an toàn. Bên cạnh đó cũng đã quy định thiết kế phương tiện phải có dây an toàn.
“Quá trình soạn thảo Luật cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình có ghế chuyên dụng dành cho trẻ em trên xe ô tô và đưa vào dự thảo.
Một điểm mới trong dự thảo Luật GTĐB là việc quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m khi được chở trên ô tô chở người thì không được ngồi ở hàng ghế trước (ghế cạnh người lái xe), trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi được chở trên ô tô phải được ngồi bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em”, đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận