Ngô Bá Khá, biệt danh Khá “Bảnh” (26 tuổi) vừa bị TAND TX Từ Sơn, Bắc Ninh phạt 4 năm tù về tội Đánh bạc, 6 năm 6 tháng tù tội tổ chức đánh bạc. Tổng hợp hình phạt, Khá “Bảnh” phải thi hành 10 năm 6 tháng tù.
Khá “Bảnh” nổi đình nổi đám trên mạng xã hội một thời, được nhiều bạn trẻ tung hô vì sự ngông nghênh. Với vốn văn hóa của Khá, anh ta không đủ bản lĩnh để nhận ra cái gì là thực, cái gì là ảo. Và cứ trượt dài.
Khi Khá bị bắt, không một ai trong số những người từng tung hô nói một lời chia sẻ hoặc xin cho anh ta giảm án. Anh ta chỉ làm trò mua vui rẻ tiền.
Sau phiên tòa, vẻ mặt Khá vẫn nhâng nhâng, nhiều người lại tung hô kiểu “dám làm dám chịu”. Vẻ mặt đó chỉ có ở những người không tự trọng, không có liêm sỉ, chứ “anh hùng hảo hán” gì?
Người ta thường chết vì không biết mình là ai.
Trong đời sống thường ngày cũng thế. Khi có chút quyền được giao, người ta coi đó là lẽ đương nhiên họ được thế. Từ đó hành xử thiếu nhân bản.
Một người làm trật tự ở chợ lạnh lùng đá bay rổ rau quả, trứng gà của bà nhà quê ngồi lấn ra đường. Họ không hề biết, đằng sau rổ rau, quả trứng đó là cuộc sống của cả một gia đình.
Một nhóm đeo băng đỏ, làm công tác giữ trật tự, có thể lật tung một xe cam của chị phụ nữ bán rong trên đường rồi giẫm lên nó hoặc mang về ăn, như một thứ lợi lộc đương nhiên từ công việc. Họ không nghĩ, xe cam đó là cuộc sống, là chuyện học hành của con cái chị ấy. Và con chị, có thể sau này là nhân tài, chí ít cũng sẽ là người liêm chính của đất nước.
Trong lúc, họ hoàn toàn có cách hành xử khác.
Rèn luyện để làm một công chức, viên chức, người thừa hành công vụ có kỹ năng, hành xử đúng mực có phải quá khó không? Không, nhưng họ không làm, họ ra oai.
Một người làm trật tự ở bến xe, bệnh viện, sân bay… có cái còi trong tay là thổi. Nhìn thấy ai ngứa mắt cũng thổi, quát tháo. Thổi để thể hiện ta đây rất… oai.
Một người làm công chức ở phường cũng có thể hoạnh họe người khác khi ai đó lên công chứng hay xin chứng nhận điều gì đấy. Cứ như bố mẹ họ chưa từng đi lo chuyện giấy tờ. Đến mức hành cả người xin chứng tử để có đất chôn.
Cán bộ, công chức không đặt mình vào vị trí của dân, không chia sẻ khó khăn của người khác, chưa từng tiêu đồng tiền được làm ra từ mồ hôi nước mắt khốn cùng thì sao hiểu được nỗi đau của họ. Và như vậy thì làm sao có thể để người dân thương yêu, nể phục.
Một cách nghĩ đơn giản hơn, dù đang làm việc gì, chức vụ nào, quyền hành đến đâu, trước hết hãy nghĩ mình là một công dân.
Dân gian có câu “hết quan hoàn dân” đúng mà chưa đủ, vì trong quan đã có dân. Công dân!
Mới rồi, một số cán bộ công an đã nghỉ theo chế độ ở Đông Anh (Hà Nội) căng biểu ngữ đòi đất và phản đối lợi ích nhóm, câu chuyện đáng để suy ngẫm ở nhiều khía cạnh.
Rốt cục thì họ cũng trở thành người dân bình thường và vẫn bị cuộc sống thúc bách, vậy thì những người đang làm nhiệm vụ phải nghĩ, rồi mình cũng như thế và có thể cũng đang như thế. Từ đó để làm tốt công việc của mình, vì dân. Điều đó không có gì cao xa, vì vốn dĩ, công việc của anh là như thế.
Sống phải biết mình là ai. Đừng để các thứ phù du làm nên lâu đài ảo tưởng. Nói vậy mà khó lắm, không đơn giản chút nào!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận