SOS map - bản đồ cứu trợ đầu tiên của Việt Nam đã và đang kết nối những tấm lòng hảo tâm tới đúng nơi, đúng người thực sự cần giúp đỡ trong thời buổi dịch Covid-19 hoành hành.
Đội shipper - tình nguyện viên của SOS map giao hàng cứu trợ tới người dân gặp khó khăn trong mùa Covid-19
Kết nối nơi cần với người cho…
Gần 3 tháng qua, chị Đỗ Thị Tình (quê Khánh Hòa, ngụ tại 46 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM), vốn là giáo viên mầm non tư thục, bị mất việc bởi dịch Covid-19.
Để có tiền nuôi 2 con nhỏ, chị phải xoay sang giúp việc gia đình. Nhưng rồi từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, chị không còn việc gì làm, trong khi vẫn phải lo tiền trọ, tiền ăn hàng ngày…
Một ngày, khi đang đi trên phố, vô tình chị Tình thấy đội cứu trợ phát thực phẩm cho dân nghèo, liền tới hỏi chuyện. Họ đưa cho chị tờ hướng dẫn vào bản đồ SOS map để đăng ký nhận cứu trợ.
Về nhà, làm theo hướng dẫn, chị đăng ký luôn cho cả bà con quanh vùng. “Được ít bữa, có chị ngoài Hà Nội nhắn tin hỏi xác nhận, sau đó đã chuyển cho ít tiền để mua sữa cho bọn trẻ trong khu trọ”, chị Tình chia sẻ.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Phạm Thành Vi, Giám đốc Công ty Xtek.asia, “cha đẻ” của Bản đồ cứu trợ - SOS map cho hay, dù mới đi vào hoạt động hơn nửa tháng, song không ngờ lượt truy cập lại tăng nhanh đến thế.
Cụ thể, tính tới 8/8 đã có hơn 11 nghìn điểm cần hỗ trợ đã được cập nhật lên bản đồ, trong đó đa phần nằm tại TP HCM.
Bên cạnh đó, SOS map còn có thêm số tổng đài hotline 1900 6448 để những người không sử dụng điện thoại smartphone vẫn có thể liên lạc để nhân viên kết nối tới những điểm hỗ trợ.
Mở bản đồ với chi chít các đốm đỏ, anh Vi cho biết, chỉ cần vào địa chỉ sosmap.net, người dùng dễ dàng nhận biết những địa chỉ cần hỗ trợ kèm theo thông tin cụ thể, số điện thoại qua những đốm màu đỏ. Thông tin người có đồ hay tiền mặt cần cho - sẽ hiển thị qua những đốm màu xanh.
Từ những thông tin trên bản đồ, những tình nguyện viên của SOS map sẽ lấy thực phẩm về kho, sau đó sắp xếp để chia cho các địa điểm cần đến. Ngoài ra, người có nhu cầu cho/nhận cũng có thể tự rà soát qua bản đồ để chủ động tới địa điểm gần với mình mà không cần phải thông qua các tình nguyện viên của hệ thống.
Nói về ý tưởng của SOS map, chàng Giám đốc 8X cho hay, năm 2020, khi đi làm từ thiện tại khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt miền Trung, anh và rất nhiều mạnh thường quân khác gặp lúng túng trong việc tìm điểm hỗ trợ.
Hầu hết các chuyến hàng phải liên hệ qua địa phương, tuy nhiên có nhiều vùng khó khăn mà chưa tiếp cận được. Hoặc theo thông báo, nhóm từ thiện phát quà tại 1 xã nhưng những người xung quanh biết thông tin nên cũng đến, vì vậy số lượng quà chuẩn bị để phát không khớp được so với thực tế. Các đoàn từ thiện hầu hết hoạt đông tự phát nên có chuyện nơi thừa, nơi lại chẳng có ai.
Chính từ nút thắt này, Vi lập tức nghĩ ra ý tưởng, tại sao không có một ứng dụng để gỡ rối cho những người làm từ thiện, tạo đầu mối để giúp đỡ những người gặp khó khăn một cách hiệu quả nhất?
Với thế mạnh là giám đốc của công ty chuyên về công nghệ, Vi cùng các nhân viên đã bắt tay vào làm và SOS map ra đời chỉ sau 3 ngày “thai nghén”.
Song lúc đó mới là bản đồ sơ khai, dùng trong nội bộ, chưa được phổ biến tới cộng đồng. Chỉ tới đợt dịch Covid-19 lần này, chứng kiến đời sống biết bao người lao động bị bào mòn bởi khó khăn, chàng giám đốc 8X mới quyết tâm hoàn thiện ứng dụng và lan tỏa để mọi người cùng đón nhận, hưởng ứng.
Không chỉ giúp bà con qua cơn đói
Vừa trở về từ một chuyến cứu trợ tại xóm trọ nghèo tại quận 9, TP Thủ Đức, Phạm Thanh Vi vẫn còn xúc động khi chứng kiến gia cảnh của cặp vợ chồng nghèo và cô con gái lớn bị thiểu năng trí tuệ.
Họ sống trong căn nhà chật hẹp, chỉ đủ chỗ kê 1 chiếc giường đủ cho ba người, trong nhà không còn gì để ăn.
“Khi tặng bánh, sữa, gạo và rau quả cho gia đình, người cha gầy gò, tóc bạc phơ chỉ biết run run đôi tay tiếp nhận với ánh mắt nhòe lệ vì hạnh phúc khi nhận được sẻ chia”, anh kể.
Hiện SOS map đã nhận được sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Khoa học phát triển nông nghiệp nông thôn, Hội Phụ nữ Cục Ngoại tuyến (Bộ Công an), Đoàn Thanh niên TP HCM…
Số lượng điểm đỏ xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ, những lời kêu cứu ngày đêm liên tiếp chuyển tới tổng đài của hệ thống, song nguồn tài trợ lại có hạn, cũng chính là điều khiến đội ngũ SOS map day dứt.
“Mục tiêu lập ra SOS map không phải để cho một nhóm nào sở hữu mà mong muốn kết nối tất cả nhóm thiện nguyện, mạnh thường quân khắp nơi trên cả nước, giúp cho hoạt động cứu trợ đạt hiệu quả hơn so với cách làm cũ”, Vi nói và cho biết: “Hy vọng thời gian tới nguồn lực hỗ trợ sẽ dồi dào, đáp ứng nhanh tới đúng nơi, đúng người gặp khó khăn”.
Theo Phạm Thanh Vi, không chỉ dừng lại hỗ trợ trong mùa dịch bệnh, SOS map được kỳ vọng sẽ ứng dụng nhiều hơn trong tương lai.
Bản đồ này có thể là nơi kết nối, hỗ trợ nông sản cho bà con nông dân; giúp người dân vùng lũ khắc phục hậu quả của thiên tai; thậm chí có thể là tiếng kêu cứu của những người phụ nữ, những trẻ em bị xâm phạm, bạo hành cần tới sự vào cuộc của xã hội....
Trong tương lai gần, SOS map đang kết nối với các đơn vị tuyển dụng việc làm online trên cả nước để tạo cơ hội thêm thu nhập cho người dân vùng dịch.
“Dịch bệnh còn phức tạp, khó khăn còn kéo dài, việc hỗ trợ tiền, lương thực chỉ giúp người dân thoát khỏi cái đói trước mắt, còn lâu dài cũng chẳng thấm vào đâu.
Chính vì thế, từ tuần sau, SOS map sẽ thêm tính năng kết nối những nơi cần tuyển nhân sự làm online tới người cần việc làm trong bối cảnh giãn cách, hạn chế ra ngoài”, Vi cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận