Trong tiến trình phát triển nhanh chóng, xây dựng hình ảnh một “con rồng châu Á” mạnh mẽ, tự tin và vươn khắp quốc tế, ngành ngoại giao Trung Quốc là một trong những mũi nhọn được Bắc Kinh coi trọng nhất.
Nhưng ít ai biết, những ngày đầu sau năm 1971, khi các nhà ngoại giao của Trung Quốc bước chân tới Liên hợp quốc, họ đã từng trải qua những cảm giác choáng ngợp, ngỡ ngàng và lạc lõng như “người ngoài hành tinh”.
Đoàn ngoại giao Trung Quốc tham gia cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 11/1971
Những ngày đầu tại Liên hợp quốc
Một số câu chuyện và trải nghiệm xương máu của nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc từ lần đầu tiên tới Liên hợp quốc vào năm 1971 đến nay đã được nhà báo chính trị, cây bút kỳ cựu phương Tây Peter Martin lột tả trong cuốn sách mới được xuất bản về Trung Quốc.
1971 là năm Liên hợp quốc chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia hợp pháp duy nhất tại tổ chức này, thay thế Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan).
Theo mô tả của nhà báo Martin, lần đầu tiên bước chân đến New York (Mỹ) với tư cách là phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc, các nhà ngoại giao Bắc Kinh xuất hiện với những bộ trang phục truyền thống, kiểu “Tôn Trung Sơn” nghiêm trang, chỉnh tề, kỷ luật. Họ hoàn toàn choáng ngợp trước cách ăn mặc, đa dạng và lối sống phóng khoáng nơi đây.
Ông Peter dẫn lời kể của một nhà ngoại giao Trung Quốc thời đó cho biết: “Đối với người Mỹ, sự có mặt của đoàn ngoại giao Trung Quốc lúc ấy đúng như sự xuất hiện đột ngột của người ngoài hành tinh”.
Nhưng đây chỉ là bắt đầu cho một chuỗi những cú sốc, khoảng cách về văn hóa, lạc hậu về kiến thức ngoại giao mà họ đã đối mặt.
Khi chưa có tòa lãnh sự tại New York, phái đoàn Trung Quốc đã thuê phòng bao trọn gần như toàn bộ tầng 14 khách sạn Roosevelt gần trụ sở Liên hợp quốc để sống và làm việc.
Theo nhà báo Peter, tất cả nhân viên trừ các lãnh đạo đều phải ở 2 người/phòng. Không nhân viên nào được phép rời khách sạn kể cả đi dạo, giải trí. Chỉ ra ngoài khi có cuộc họp chính thức.
Sống giữa thành phố New York ồn ã, náo nhiệt, nhân viên đoàn ngoại giao Trung Quốc rất vất vả mới có thể thích nghi. Họ không thể ngủ được vì tiếng ồn bên ngoài suốt ngày đêm.
Không ai trong 3 tài xế của đoàn có bằng lái xe hợp pháp tại New York nên cả đoàn phải dùng taxi địa phương. Các nhà ngoại giao thường xuyên theo dõi tin tức, đọc báo New York Times nhưng vẫn rất khó khăn để vượt qua khoảng cách văn hóa.
Một phiên dịch viên trong đoàn kể lại, các nhà ngoại giao phương Tây thường nói chuyện về phim ảnh, âm nhạc, giải trí, thời trang và cả phụ nữ nhưng đoàn ngoại giao Trung Quốc luôn giữ kỷ luật nghiêm khắc.
“Dù ở nước ngoài nhưng chúng tôi không thể xem phim, chương trình giải trí. Đây là khoảng cách lớn với văn hóa phương Tây đương đại. Mỗi lần nói đến những chủ đề này, chúng tôi chẳng biết nói gì”, vị phiên dịch viên chia sẻ.
Đây chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những vấn đề mà các đoàn ngoại giao Trung Quốc gặp phải suốt 40 năm qua. Mỗi lần gặp khó là một lần các nhà ngoại giao Trung Quốc nhận ra họ đã tụt lại phía sau như thế nào, từ đó dốc sức để cải thiện và hòa nhập.
Không riêng các đoàn ngoại giao ở nước ngoài, tại Bắc Kinh, giới chức Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ cũng chạy đua với thời gian để đọc báo cáo do đoàn ngoại giao ở New York gửi về, liên tục cập nhật thông tin mới.
Quyết liệt với ngoại giao chiến lang
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, hồi tháng 4/2020 Ảnh: AFP
Sau một thời gian với chủ trương “giấu mình chờ thời”, dành sức tập trung kinh tế, duy trì ngoại giao mềm mỏng, tích cực tham gia các công việc quốc tế, Trung Quốc đã xây dựng vị thế mạnh trên bình diện quốc tế.
Nếu như năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là thành viên của duy nhất một tổ chức liên chính phủ. Đến năm 1989, Trung Quốc đã là thành viên của 37 tổ chức, ký hơn 125 hiệp ước quốc tế.
Tới năm 2001, quá trình thiết lập và gia nhập vào các tổ chức toàn cầu đã giúp Trung Quốc chuyển mình ngoạn mục về kinh tế chính trị và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cùng với đó, Trung Quốc tích cực tham gia và mở rộng quan hệ trong Liên hợp quốc. Năm 2019, nước này vượt qua Nhật Bản trở thành quốc gia đóng góp nhiều thứ 2 đối với ngân sách của Liên hợp quốc, cung cấp số lượng nhân lực cho các tổ chức gìn giữ hòa bình nhiều hơn cả 4 thành viên thường trực khác trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Lúc này, cách ngoại giao của Bắc Kinh dường như bắt đầu thay đổi. Trung Quốc trở nên nói thẳng không kiêng nể và không thỏa hiệp trong một số vấn đề.
Lứa ngoại giao trẻ hiện nay của Trung Quốc được đánh giá kiên quyết hơn, dường như sẵn sàng bỏ qua các chuẩn mực ngoại giao lâu nay nếu cần phải thể hiện và bảo vệ quan điểm quốc gia trước thế giới. Giới ngoại giao, chính trị phương Tây gọi hiện tượng này tại Trung Quốc là “ngoại giao chiến lang”.
Cùng lúc hiện tượng ngoại giao chiến lang mạnh lên, hình ảnh Trung Quốc tại một số quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và Australia đang dần trở nên tiêu cực, theo kết luận từ báo cáo công bố vào tháng 10/2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ).
Sự thay đổi được thể hiện rõ nhất từ lúc đại dịch Covid-19 bùng nổ và sau khi Mỹ cùng phương Tây đẩy mạnh đối đầu với Trung Quốc... Ví dụ rõ nhất là cách nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với những người đồng cấp Mỹ tại Đối thoại Alaska hồi tháng 3 rằng: “Mỹ không đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc theo kiểu trịch thượng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận