Y tế

Sự xuất hiện biến chủng Omicron có tạo làn sóng dịch Covid-19 nguy hiểm?

30/12/2021, 15:17

Theo chuyên gia y tế, nếu kiểm soát hiệu quả, việc xuất hiện biến thể mới Omicron là cơ hội chấm dứt làn sóng Delta, vốn gây nhiều tử vong...

Biến chủng Omicron có 4 yếu tố mới

Liên quan đến việc xuất hiện của biến chủng mới Omicron tại Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM nhận định: "Đáng quan ngại nhưng cần phải bình tĩnh và hoàn toàn có khả năng ứng phó được".

img

Cấp cứu F0 tại TP.HCM trong làn sóng dịch Covid-19 do biến chủng Delta gây ra

Ông Dũng cho biết, WHO đánh giá biến chủng đáng quan ngại, dựa trên 4 yếu tố: lây lan nhanh, trốn thoát xét nghiệm, chống lại vaccine và gây tử vong cao.

Riêng với biến chủng Omicron, việc lây lan nhanh đã được các nhà khoa học thống nhất với tốc độ lây cao gấp 5 lần biến chủng Delta; biến chủng trốn thoát vaccine bởi loại vaccine cũ hiệu quả kém hơn; có khả năng trốn thoát xét nghiệm, dù tỷ lệ thấp... Các nghiên cứu ở 1 số quốc gia như Nam Phi, Anh đã cho thấy biến chủng làm tỷ lệ tử vong chuyển nặng giảm đi từ 2,5-3 lần.

"Như vậy, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron lây lan nhanh, điều lo ngại nhất là làm quá tải hệ thống y tế, từ đó người bệnh không được chăm sóc kịp thời cũng tạo nguy cơ tử vong cao.

Tuy nhiên, nếu kiểm soát được dịch bằng các biện pháp giãn cách, 5 K, tiêm phủ vaccine… để tốc độ lây lan của chủng này giảm đi thì đây là cơ hội chấm dứt qua làm sóng Delta, vốn khiến nhiều người mắc Covid-19 trở nặng hơn, tử vong nhiều hơn. Có thể nói nếu biến chủng mới xâm nhập có thể tạo làn sóng dịch mới nhưng không quá nguy hiểm như làn sóng của biến chủng Delta đem lại", ông Dũng cho biết.

Nói về sự xâm nhập của biến chủng mới này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc mở rộng giao thương trở lại như hiện nay, nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập Việt Nam là điều nằm trong dự báo từ trước. Biến chủng này lây lan rất nhanh, đã xuất hiện tại hơn 100 nước trên thế giới. Việt Nam sẽ tiếp tục có ca mới nhiễm biến thể này.

Theo một số nghiên cứu công bố trước đó, biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng cần kiểm soát chặt chẽ, để hạn chế ca nhiễm tăng nhanh và nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế.

Ứng phó biến chủng mới trong dịp lễ Tết cần lưu ý gì?

Sự xuất hiện của biến chủng mới với mức độ lây lan được đánh giá mạnh gấp 5 lần so với chủng Delta ngay thềm năm mới, khi nhu cầu giao thương, đi lại tăng mạnh cảnh báo nguy cơ cao bùng dịch.

Theo ông Dũng, giải pháp cơ bản nhất là tiêm chủng, với người có nguy cơ cao. Bởi về bản chất bệnh nhẹ, nhưng lại diễn tiến nặng và nhanh ở nhóm người nguy cao tuổi và nhiều bệnh nền.

Cùng quan điểm, ông Phu cũng cho rằng, dù việc mắc chủng mới có vô hiệu hóa hay giảm hiệu quả vaccine hay không vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên các nghiên cứu của quốc tế cho rằng, tiêm mũi 3 có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.

“Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn là do tiếp xúc gần với nguồn lây, tụ tập đông người, trong phòng kín… vì vậy các biện pháp phòng dịch vẫn không thay đổi so với biến chủng Delta. Nhưng cần quyết liệt hơn để giảm lây lan", ông Phu nhấn mạnh.

Cụ thể, người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo 5K, nâng cao ý thức hơn trong việc phòng dịch. Quan trọng nhất vẫn là việc hạn chế xuất hiện nơi đông người, hạn chế tiếp xúc gần hay tiếp xúc trong môi trường kín.

Người dân cần tránh tư tưởng tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ không bị nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh không chuyển nặng, từ đó có tâm lý chủ quan, lơ là dẫn đến dịch lây lan mạnh.

Đặc biệt, trong dịp Tết cận kề, người dân nên hạn chế đi lại, không đi lại khi không cần thiết. Nếu bắt buộc về quê nên có các biện pháp phòng dịch ví dụ chọn phương tiện đi lại an toàn, ưu tiên phương tiện cá nhân, không tụ tập ăn uống, chúc Tết đông người…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.