Vận tải

Sửa Nghị định 86 phải quản được Uber, Grab như taxi

09/03/2018, 05:56

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, bản chất hoạt động của Uber và Grab là kinh doanh vận tải nên phải quản lý...

1

Lượng xe ô tô tham gia Uber, Grab tăng chóng mặt là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc - Ảnh: Khánh Linh

Không quản được Uber, Grab vì gọi sai định danh

Tại cuộc họp về sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ GTVT tổ chức hôm qua (8/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu, dự thảo thay thế Nghị định 86 phải thật chặt chẽ, đặc biệt là những quy định liên quan tới quản lý Uber, Grab. “Hoạt động của Uber, Grab bản chất là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện. Nếu lần sửa đổi này không quản lý được Uber, Grab như taxi truyền thống thì không ban hành”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu Tổ soạn thảo phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe, hợp đồng lao động với tài xế, trách nhiệm trong những trường hợp cướp giật, thậm chí có cả tội phạm trà trộn làm lái xe. Dự thảo lần này phải đảm bảo được yêu cầu về an toàn cho người dân sử dụng Uber, Grab và phải công khai minh bạch về giá cước, nộp thuế cho Nhà nước.

"Nghị định 86 cần bổ sung một phần liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ để điều hành các hoạt động vận tải. Nhận diện xe hợp đồng như Uber, Grab hiện còn hạn chế. Cần nghiên cứu để cung cấp cho người dân những dấu hiệu để có thể phát hiện, phân biệt được, tránh tình trạng xe không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn hoạt động, người dân có thể giám sát, phản ánh để tăng cường kiểm tra, giám sát. Dự thảo lần này phải quản lý được Uber, Grab và các hình thức vận tải hành khách tương tự, không chấp nhận những quy định “lập lờ, thiếu rõ ràng”.

Bộ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Thể

“Nếu Uber, Grab hoạt động nhưng khi có chuyện lại từ chối trách nhiệm, nói không biết là không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nói.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đây là Nghị định có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, ban soạn thảo đã có nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều phương án khác nhau để quản lý được Uber, Grab, cũng như các phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải, quản lý hiệu quả xe hợp đồng, tránh tình trạng xe dù, bến cóc.

Không đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Grab cũng gọi mình là Grab taxi, vậy tại sao lại gọi là xe hợp đồng? Xe Uber, Grab phát triển vô tội vạ, với hàng chục nghìn phương tiện hoạt động như taxi, mới vài năm số lượng đã đông hơn cả taxi truyền thống. “Dùng từ xe hợp đồng nên không quản lý được số lượng. Ùn tắc giao thông là do xe Uber, Grab”, Bộ trưởng nói.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, ban soạn thảo dự thảo Nghị định đã thống nhất đưa điều kiện kinh doanh đối với xe Uber, Grab ngang bằng với xe taxi. Hiện mới chỉ xử lý là đưa điều kiện ngang bằng nhau nhưng chưa xếp Uber, Grab vào nhóm như điều kiện kinh doanh taxi. Lái xe Uber, Grab phải được quản lý như hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh taxi hiện nay. “Cần phải xếp Uber, Grab vào nhóm này để xử lý các vấn đề nóng hiện nay”, bà Hiền nói.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, phải mở rộng định nghĩa về kinh doanh vận tải bao hàm cả ứng dụng công nghệ mới gọi Uber, Grab là kinh doanh vận tải, khi đó mới đặt Uber, Grab vào taxi. 

2
Các xe Uber, Grab gần như “vô hình’”trong dòng phương tiện dù bản chất là vận tải taxi - Ảnh: K.Linh

Phải ràng buộc trách nhiệm của Uber, Grab với lái xe

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Nghị định thay thế Nghị định 86 ban hành sẽ kết thúc giai đoạn thí điểm kết nối hợp đồng điện tử Uber, Grab.

Nhấn mạnh Dự thảo Nghị định còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Nghị định với tinh thần tăng cường quản lý hoạt động vận tải Uber, Grab theo đúng pháp luật Việt Nam, thực hiện đầy đủ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với lái xe, người dân.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng yêu cầu cần xem xét lại từng điểm của dự thảo, điều khoản nào chưa chặt chẽ cần điều chỉnh. Uber, Grab là hai đơn vị kinh doanh vận tải kết hợp với ứng dụng công nghệ mới. Bản chất của loại hình này là kinh doanh vận tải, vì vậy cần đưa ra quy định yêu cầu hai đơn vị này thực hiện đúng pháp luật Việt Nam.

“Uber, Grab là doanh nghiệp nước ngoài, kinh doanh phải theo luật pháp Việt Nam, theo các điều khoản gia nhập WTO của Việt Nam, phải thành lập doanh nghiệp theo đúng yêu cầu gia nhập WTO của Việt Nam. Uber, Grab phải có trụ sở, có đăng ký kinh doanh, con dấu, toàn bộ hoạt động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.

“Quan hệ giữa Uber, Grab với lái xe là quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chính sách cho người lao động theo đúng pháp luật. Phải có ràng buộc trách nhiệm hai bên trong những trường hợp rủi ro đối với người lao động.

Nếu lái xe gây ra hậu quả cho xã hội, Uber, Grab phải có trách nhiệm liên đới của đơn vị sử dụng lao động”, Bộ trưởng phân tích và chỉ đạo: “Phải rà soát lại hoạt động của Uber, Grab để bổ sung, sửa đổi những điều còn bất hợp lý. Bộ GTVT mong muốn Uber, Grab phát triển ở Việt Nam nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho lái xe và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước”.

Dự thảo Nghị định sửa đổi phải định nghĩa chính xác về kinh doanh vận tải

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG Khuất Việt Hùng, nội dung quan trọng nhất làm nền tảng để xây dựng các nội dung đổi mới của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 chính là định nghĩa về kinh doanh vận tải.

Cụ thể, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một số hoặc toàn bộ các công đoạn của hoạt động vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; Trong đó, có thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính gồm: Trực tiếp điều hành phương tiện và lái xe để vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa, quyết định giá cước vận tải. Từ định nghĩa này, những dịch vụ như Uber, Grab hoặc tương tự đều được hiểu là kinh doanh vận tải và sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.