Đồng thời phấn đấu thi công đồng loạt các gói thầu còn lại ngay dịp đầu năm mới.
“Xẻ núi mở đường”, đẩy nhanh tiến độ
Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, nhịp điệu thi công trên các gói thầu xây lắp 01 (Km0 - Km15) và 02 (Km15 - Km 26+500) hối hả. Liên danh nhà thầu Tổng công ty Thành An - Tổng công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư xây dựng 68 - Công ty CP Đầu tư xây dựng 168 Việt Nam tổ chức hàng chục mũi thi công nỗ lực “xẻ núi, mở đường”, để “dáng tuyến” đầu tiên cho công trình cao tốc nối Quảng Trị - Huế dần hình hài. Lãnh đạo Phòng Dự án thuộc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn) cho hay: Giai đoạn đầu dự án, lại gặp mùa mưa cuối năm, nên các đơn vị triển khai tập trung công tác hoàn thiện đường công vụ, đào nền sẵn sàng cho thi công đại trà chính tuyến…
Sau hơn 3 tháng khởi công, những tuyến đường công vụ mở xuyên vào hiện trường. Nhà xưởng, vật tư, máy móc được các nhà thầu huy động. Dọc đoạn tuyến qua khu vực TP Đông Hà (Quảng Trị), các mũi thi công cơ bản hạ cốt nền, triển khai song song đường gom dân sinh 2 bên; xây cầu bắc qua sông Vĩnh Phước. Tại đoạn tuyến qua huyện Triệu Phong, TX Quảng Trị, công trường xây cầu Thạch Hãn, cầu Như Lệ 1 và Như Lệ 2 tất bật… Ông Chu Tuệ Minh, Chỉ huy trưởng liên danh gói thầu Xây lắp 01 cho hay: Các nhà thầu chủ động tập kết vật tư, tài lực, trang thiết bị, lập phương án thi công, biểu đồ kiểm soát tiến độ.
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, vượt khó khăn về địa hình cách trở, khắc nghiệt thời tiết, các đơn vị triển khai dự án nỗ lực bám công trường, tổ chức mô hình quản lý, biện pháp thi công hợp lý để chạy đà tiến độ giai đoạn đầu. Đến Tết Âm lịch 2020, hai gói thầu trên tuyến đạt hơn 10% giá trị hợp đồng, đánh dấu bước tiến đầu tiên cho dự án, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Nhiều nhà thầu cam kết giảm thời gian nghỉ, tăng hiệu suất thi công để bù phụ tiến độ.
Gỡ GPMB, sớm thi công đồng loạt trên tuyến
Trên công trường cuối năm, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà thầu rốt ráo, kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng; phối hợp chặt chẽ địa phương đẩy tiến độ GPMB; đảm bảo các quy định tốt nhất trong công tác điều hành, quản lý triển khai dự án.
Kinh nghiệm cho thấy, để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, ngay từ các bước triển khai dự án, Ban QLDA chủ động thành lập văn phòng hiện trường, lựa chọn, cử cán bộ trưởng thành qua các công trình giao thông trọng điểm; áp dụng các bài học kinh nghiệm, mô hình quản lý, điều hành dự án; đôn đốc nhà thầu tập trung trang thiết bị máy móc, nhân vật, kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng từng hạng mục…
Bên cạnh đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tập trung chuẩn bị các điều kiện để sớm khởi công những gói thầu còn lại trên tuyến. Trước Tết Âm lịch 2020, 3 gói thầu tiếp theo nối nhịp triển khai xây lắp. Mục tiêu đến hết quý I/2020, 6 gói thầu còn lại khởi công, đưa công trình đồng loạt thi công trên toàn tuyến.
Theo lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, dự án được 2 địa phương vào cuộc hỗ trợ GPMB, đáp ứng cơ bản tiến độ khởi công các gói thầu trên tuyến. Những “đường găng” GPMB còn lại đang được Ban QLDA phối hợp địa phương, cơ quan chức năng để tháo gỡ; trong đó đáng kể là đoạn 2,5km qua rừng đặc dụng qua huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, đôn đốc địa phương GPMB. Hiện tỉnh làm việc với cơ quan chức năng, Bộ Nông nghiệp và PTNT để tháo gỡ “điểm nghẽn” qua rừng đặc dụng. Theo lãnh đạo Ban ĐHDA Cam Lộ - La sơn, GPMB thuận lợi sẽ là một trong những điều kiện để dự án kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng triển khai và hạn chế tối đa các đường găng kỹ thuật, góp phần đưa dự án cán đích sớm, đảm bảo ý nghĩa, hiệu quả công trình.
Kỳ vọng trục giao thông động lực xuyên miền Trung
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư gần 7.700 tỷ đồng, với tổng chiều dài gần 100km, điểm đầu tại Cam Lộ (Quảng Trị) và điểm cuối tại La Sơn (Phú Lộc). Theo phê duyệt, giai đoạn đầu dự án có quy mô 2 - 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền 12 - 23m (tùy vị trí). Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng 23m.
Dự kiến, sau 2 năm khởi công, dự án sẽ hoàn thành, kết nối cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đại diện cơ quan QLNN có thẩm quyền), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (chủ đầu tư VEC) tạo trục giao thông động lực xuyên miền Trung. Hiện đoạn tuyến La Sơn - Hòa Liên (cao tốc La Sơn - Túy Loan), nối Huế vào đầu Đà Nẵng cơ bản hoàn thiện chính tuyến, sẵn sàng đưa vào khai thác. Riêng đoạn Hòa Liên - Túy Loan, Ban QLDA đang phối hợp địa phương, cơ quan chức năng đẩy nhanh công tác GPMB, khơi thông vướng mắc này để có thể thi công trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận