Trong cuộc sống, có không ít bố mẹ luôn chủ động làm mọi thứ cho con cái, đi kèm câu nói: “Mẹ làm như vậy chỉ vì tốt cho con”. Vì thế, lúc nhỏ từ việc mặc quần áo gì, chơi với ai, ăn gì cho tới khi lớn lên học ngành gì, công việc ra sao, kết hôn với ai cũng đều một tay bố mẹ sắp xếp.
Dần dần, trẻ mất đi khả năng lựa chọn, không biết cân nhắc ưu khuyết điểm, hay ỷ lại bố mẹ, tới tuổi dậy thì lại nổi loạn, thích đùn đẩy hậu quả cho người khác. Khi còn trẻ, bố mẹ có thể làm cho con cái nhiều thứ nhưng khi về già, liệu rằng bản thân có còn đủ sức để lo cho chúng nữa không?
Việc cho con cái quyền được lựa chọn, được tự làm những điều mình muốn sẽ giúp trẻ ngày càng tự lập hơn. Khi một đứa trẻ có cảm giác tự chủ, không bị áp đặt, cảm thấy bản thân được tôn trọng, được tự do, chúng sẽ có mối quan hệ rất tốt với bố mẹ mình.
Bằng cách này, bố mẹ cũng tránh được sự bực tức, cằn nhằn, tranh cãi với con cái. Con cái cũng bớt nổi loạn, khóc lóc vô cớ, trầm cảm… việc giáo dục và giao tiếp cũng trở nên dễ dàng hơn. Việc một đứa trẻ trở nên nổi loạn thường là cuộc đấu tranh cho sự lựa chọn.
Vì vậy, thay vì ra lệnh cho trẻ phải nghe theo những quy tắc do mình đặt ra, bố mẹ tốt hơn nên cho trẻ được quyền lựa chọn có giới hạn một cách khéo léo.
Đằng sau quyền lựa chọn của trẻ là sự trách nhiệm
Có một quy luật bất thành văn trong xã hội, đó là: Tự làm tự chịu.
Điều này cũng có nghĩa đằng sau sự lựa chọn của bản thân chính là tính trách nhiệm.
Cho trẻ quyền tự do lựa chọn đồng nghĩa với việc để chúng tự chịu trách nhiệm, tự gánh lấy hậu quả cho mỗi việc làm của mình.
Khi bố mẹ lựa chọn thay cho con cái, trẻ buộc phải chấp nhận một cách thụ động, dần hình thành sự bất mãn trong lòng nhưng không thể nói ra. Một số đứa trẻ cũng dần coi việc bố mẹ quyết định như một điều hiển nhiên và bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề xảy ra. Nếu bố mẹ để con cái lựa chọn, tình hình sẽ khác hoàn toàn.
Một khi đó là sự lựa chọn của chính trẻ, đó chính là những gì chúng thực sự muốn làm. Một khi trẻ có quyền lựa chọn, chúng sẽ suy nghĩ về những điều có thể xảy ra sau đó và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Nếu chọn đúng, chúng sẽ có được thành công, nếu chọn sai sẽ gánh lấy thất bại và bài học. Dù thế nào đi chăng nữa, trẻ cũng cần cân nhắc và quan tâm tới quá trình mình làm.
Một người sẽ chỉ trưởng thành khi dựa trên những kinh nghiệm sống của bản thân. Việc học được những bài học thành công lẫn thất bại sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống sau này của một người.
Đằng sau sự lựa chọn sai lầm là kinh nghiệm để phát triển bản thân
Trách nhiệm của bố mẹ là trau dồi ý thức trách nhiệm của con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Trẻ cần hiểu mọi người đều phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn, gánh chịu hậu quả cho hành động sai trái của mình.
Chẳng hạn như nếu trẻ mê điện thoại, không học bài, không làm bài tập về nhà, hậu quả tất yếu là bị giáo viên phê bình, điểm số kém, mất mặt trước các bạn cùng lớp.
Những hậu quả này tất nhiên không phải là những điều trẻ muốn nhìn thấy. Nếu vẫn lựa chọn việc làm sai trái, đương nhiên trẻ cần chịu trách nhiệm và gánh lấy hậu quả. Lúc này, bố mẹ không cần phải đánh đòn hay la mắng, chỉ cần phân tích nguyên nhân dẫn tới kết quả này, sau đó động viên để con cái đừng chán nản.
Đằng sau bất kỳ sai lầm nào là một cơ hội để trưởng thành. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ đừng sợ việc làm sai, nếu có làm sai chỉ cần biết lỗi ở đâu và sửa chữa là được.
Trẻ càng nhỏ càng có cơ hội thay đổi tính cách của chúng
Nếu bố mẹ buông thả việc dạy dỗ con cái, sau này sẽ phải trả khi chúng mắc sai lầm hay phạm lỗi.
Để tránh việc con cái mắc phải những sai lầm lớn, chúng cần được phép mắc một số sai lầm khi còn nhỏ, sau đó sửa đổi. Con đường trưởng thành chưa bao giờ là dễ dàng, việc tước đi quyền lựa chọn của con cái chính là tước đi quyền trưởng thành của chúng.
Đối với những đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên, quyền được tôn trọng và lựa chọn rất quan trọng, bố mẹ cần đặc biệt chú ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận