Mẫu giáo là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời một người
Năm 1978, những người đạt giải Nobel từ khắp nơi trên thế giới đã tụ họp tại Paris, Pháp. Trong câu chuyện xoay quanh “đâu là thời điểm giáo dục tốt nhất của một đứa trẻ”, những người có mặt tại đó đã nhận định rằng, giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời một người không phải ở trường đại học mà chính là trường mẫu giáo.
Mọi người đều công nhận rằng điều này hoàn toàn có sơ sở. Sở dĩ như vậy là do khi đi học mẫu giáo, một đứa trẻ sẽ học được rất nhiều thứ như không được lấy những thứ không thuộc về mình, rửa tay trước khi ăn, biết dọn dẹp mọi thứ sau khi chơi, tự giác ăn cơm và vô số những thứ khác.
Ảnh minh họa
Có thể nói rằng, giai đoạn khi trẻ học mẫu giáo là lúc tốt nhất để rèn luyện thói quen tốt. Thói quen tốt đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.
Ông Ye Shengtao, một nhà giáo dục học nổi tiếng ở Trung Quốc từng nói: “Giáo dục là gì? Đó chính là phát triển những thói quen tốt!”
Trên thực tế, 3 – 6 tuổi là giai đoạn phát triển trí não nhanh nhất của con người. Những thói quen, tính cách cũng được hình thành trong giai đoạn này và nó ảnh hưởng đến suốt đời của một người. Điều này chứng tỏ rằng, thời thơ ấu có vai trò cực kỳ quan trọng đối với một đứa trẻ.
Tiến sĩ Maria Montessori cũng từng nói: “Tất cả những gì chúng ta làm với trẻ sẽ đơm hoa kết trái, nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ ở hiện tại mà còn quyết định cả cuộc đời đứa trẻ sau này”.
Những thói quen cần rèn luyện cho trẻ trước và trong khi học mẫu giáo
1. Khả năng tự chăm sóc bản thân
Nếu một đứa trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân, chúng thường biết tự lập từ rất sớm. Đây là kỹ năng sống cơ bản của một người, nhưng một số bố mẹ “nhân danh tình yêu” mà tước đoạt việc trẻ có thể tự mình làm. Chẳng hạn như bố mẹ thương con mà không để con cái làm việc nhà, khiến chúng không có cơ hội cảm nhận được niềm vui dọn dẹp nhà cửa hay nấu ăn là như thế nào.
Bố mẹ càng không cho trẻ tự làm thì chúng càng phụ thuộc vào bố mẹ nhiều hơn, khả năng tự chăm sóc bản thân rất yếu kém. Nếu là việc gì trẻ có thể tự làm thì hãy để chúng làm trong khả năng của mình. Chỉ khi bố mẹ dám buông tay thì trẻ mới có thể trưởng thành lên được.
2. Học cách trả lại mọi thứ về vị trí ban đầu
Trong phương pháp giáo dục Montessori, mọi đứa trẻ được dạy rằng, dù làm bất kỳ việc gì đi chăng nữa thì cần đảm bảo một nguyên tắc quan trọng: Hãy trả mọi thứ về đúng chỗ cũ.
Trong nhiều gia đình, sau khi có con cái, phòng khách hay phòng ngủ lúc nào cũng bày bừa đồ chơi. Nguyên nhân là do bố mẹ đã không rèn luyện cho trẻ thói quen chơi xong phải dọn dẹp mọi thứ về chỗ cũ. Đây là thói quen cực kỳ quan trọng đối với một đứa trẻ. Bố mẹ có thể dạy cho trẻ thói quen này từ sớm, bắt đầu từ 1,5 tuổi cho tới 3 tuổi.
Nếu bố mẹ có thể kiên trì dạy trẻ thói quen này, sau này chúng sẽ sống rất ngăn nắp và có trật tự.
3. Tuân thủ các quy tắc đã được đặt ra
Quy tắc chính là ranh giới những gì có thể làm và không thể làm. Từ 2 tuổi trở đi, đây là giai đoạn nhạy cảm về ý thức tự giác của trẻ bắt đầu hình thành. Vào thời điểm này, trẻ sẽ bắt đầu có những yêu cầu bắt bố mẹ làm theo. Vì vậy, tùy theo từng cái mà bố mẹ đưa ra những quy tắc buộc trẻ phải tuân thủ theo, không phải thứ gì cũng có thể đáp ứng được.
Những quy tắc mà bố mẹ có thể đưa ra với con mình từ 0 – 6 tuổi như sau:
- Không được có những hành vi thô tục với người khác.
- Không được tự tiện lấy đồ của người khác.
- Lấy đồ ở đâu thì cần cất lại chỗ cũ.
- Đối với đồ chơi và những thứ công cộng, ai đến trước thì dùng trước, người đến sau cần phải đợi.
- Không được làm phiền người khác.
- Xin lỗi khi làm sai và có quyền yêu cầu người khác xin lỗi.
4. Khả năng tập trung
Một đứa trẻ nếu có khả năng tập trung, chúng sẽ có lợi thế rất lớn trong học tập và công việc sau này. Đây là một thói quen cần được trau dồi cho trẻ khi còn nhỏ.
Sự tập trung của trẻ sẽ thay đổi theo độ tuổi. Trẻ từ 3 – 6 tuổi có thể tập trung vào những điều mà chúng quan tâm trong khoảng 10 phút. Vào thời điểm này, nếu bố mẹ ép trẻ ngồi yên một chỗ để học bài hay xem sách tranh là điều rất khó khả thi, không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ.
Khi trẻ đang chơi xếp hình khối, hay thực hiện các hành động nào đó một cách say mê, bố mẹ không nên can thiệp vì bất cứ lý do gì. Điều bố mẹ cần nhớ là chỉ cần đứng yên lặng một bên và quan sát, chỉ can thiệp khi trẻ có yêu cầu giúp đỡ hoặc không còn tập trung chơi nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận