Hỏi - Đáp

Tài xế "bỏ rơi" khách vì không "bao" được xét nghiệm: Sẽ bị xử lý thế nào?

11/08/2021, 16:23

Luật sư cho rằng, việc chở 7 hành khách từ vùng dịch là vi phạm, nếu để lây lan dịch bệnh, có thể khởi tố 7 hành khách và lái xe taxi.

Liên quan vụ tài xế bỏ rơi 7 người giữa đường vì không "bao" được giấy xét nghiệm để "thông chốt" kiểm soát Covid-19 qua Hà Nội, luật sư cho rằng nếu để lây lan dịch bệnh, cơ quan công an có thể khởi tố 7 hành khách và lái xe taxi.

img

Hình ảnh 7 hành khách bị lái xe taxi bỏ lại khu vực gần cầu Trung Hà, tỉnh Phú Thọ

Trước đó, tối 10/8, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại hình ảnh 7 người dân đang ngồi bên vệ đường cùng nhiều đồ đạc giữa trời mưa tầm tã.

Theo nội dung chia sẻ, 7 người này thuê một xe ô tô từ cầu Đông Trù (Hà Nội) lên cầu Trung Hà để về quê ở Sơn La với giá 700 nghìn đồng/người. Tổng số tiền 7 người này phải thanh toán cho tài xế là 4,9 triệu đồng. Tuy nhiên, tài xế chỉ chở đến Bệnh viện Ba Vì (Phú Thọ) thì thả xuống, sau đó họ phải tự đi bộ lên cầu Trung Hà. Thời điểm quay clip là tối nhưng 7 người này vẫn chưa được ăn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Sự việc có thể xử lý nhiều lỗi như: Chở quá số người quy định; không đảm bảo điều kiện phòng dịch.

Theo quy định, các đơn vị vận tải được phép hoạt động cũng phải đảm bảo an toàn trên tuyến đường, xe 4 chỗ cũng chỉ được chở 2 hành khách; Xe ô tô này rất có thể không được phép hoạt động trong thời điểm này tại Hà Nội.

"Hiện TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, dừng tất cả hoạt động của các loại hình dịch vụ vận tải như xe taxi, xe ô tô khách, xe hợp đồng. Người dân chỉ được phép ra đường trong trường hợp thiết yếu. Việc xe chở dịch vụ vận tải tự do không được phép hoạt động. Việc thoả thuận mà không thực hiện việc test Covid-19 cũng là thoả thuận trái pháp luật, vi phạm phòng dịch. Theo đó, cơ quan chức năng cần tiến hành xác minh làm rõ, thực hiện đúng như nội dung người lao động nói trên mạng xã hội hay không", luật sư Cường phân tích.

Theo Luật sư Cường, từ những vi phạm trên, đối với xe của doanh nghiệp hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội sẽ bị phạt tiền đến 40 triệu đồng được qui định tại Nghị định số 117 của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh. Còn đối với xe cá nhân sẽ bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.

“Đây là hành vi đáng lên án, đối với cả lái xe, hành khách”- Luật sư Cường nói và cho rằng: Bản thân hành khách là người lao động đáng thương và cũng rất đáng trách.

"Chính phủ có văn bản qui định tất cả các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 thì chính quyền địa phương phải đảm bảo đời sống của người dân và thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết.

Theo đó, những người này ra đường trong tình huống này cũng vi phạm và sẽ bị xử lý theo qui định y tế. Việc di chuyển như vậy sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội. Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, rất nhiều người được hỗ trợ, miễn phí giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ở", luật sư nói.

Được biết, 7 hành khách này đã được hỗ trợ về địa phương. Những trường hợp này cần khai báo và cách ly y tế theo quy định.

"Trong trường hợp để dịch bệnh lây lan, cơ quan chức năng có thể tiến hành khởi tố đối với 7 hành khách, cũng như lái xe. Cả 7 hành khách và lái xe di chuyển từ vùng dịch là vi phạm qui định của Chính phủ. Đối với tình huống này, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét hành vi vi phạm, sai đến đâu xử lý đến đó theo qui định của pháp luật".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.