Xã hội

Tạm đình chỉ cán bộ làm việc trì trệ, kém hiệu quả

15/05/2020, 10:30

Từ ngày 1/7, cán bộ chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao sẽ bị tạm đình chỉ.

img
Thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cán bộ làm việc trì trệ, kém hiệu quả sẽ bị tạm đình chỉ công việc (Ảnh minh họa)

Mới đây, Bộ Nội vụ cho biết, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7 sẽ tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều bạn đọc gửi thư, bình luận về Báo Giao thông cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông về những nội dung mới, đồng thời tập huấn cho cán bộ quản lý để thực hiện được những điểm mới rất tiến bộ này.

Bạn đọc Hoàng Hồng Giang (Đà Nẵng) viết: “Nhiều điều luật có rồi nhưng không được thực thi. Mong rằng Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi không như vậy.

Bộ máy Nhà nước là động lực, là khâu quan trọng tác động lên phát triển của mọi ngành trong xã hội. Khâu này có chuyển động tích cực chắc chắn sẽ tạo sự lan tỏa tốt, kích thích sự đổi mới và hiệu quả công việc nói chung”.

“Để xử lý tình trạng trì trệ trong việc xử lý công việc tại cơ quan nhà nước hiện nay rất cần một hướng dẫn cụ thể. Nói chung chung như trong Luật rất khó áp dụng, lại nể nang, con ông nọ cháu bà kia thì Luật cũng bị vô hiệu hóa. Đề nghị Bộ Nội vụ sớm xây dựng Nghị định quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức”, bạn đọc Tuyết Nhung (Hà Nội) nêu ý kiến.

Bạn đọc Hoa Hạ (TP HCM) kiến nghị: “Nếu không có tiêu chí cụ thể thế nào là kém hiệu quả, trì trệ trong công việc sẽ gây mất đoàn kết, trù úm, bè phái khi xử lý cán bộ. Nếu lãnh đạo không có tâm có tài cũng rất khó sàng lọc, cho ra khỏi bộ máy những cấp dưới yếu kém.

Vì vậy, việc này cần làm song song với việc trả lương theo vị trí công việc, định mức được khối lượng, đánh giá được chất lượng mới có thể nhận xét ai trì trệ, ai làm việc kém hiệu quả”.

“Nếu miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức được những cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác... thì chắc chắn bộ máy Nhà nước sẽ hiệu quả hơn”, bạn đọc Tuấn Linh (Thanh Hóa) nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.