Giao thông

Tạm dừng tăng phí, chia sẻ khó khăn với dân, DN

07/01/2016, 18:24

Đề xuất điều chỉnh này cũng dựa trên cơ sở các điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng với các nhà đầu tư.

15
Trạm thu phí cầu Bến Thủy là một trong những trạm thu phí được đề nghị  không tăng giá dịp này - Ảnh: Phạm Đức

Việc tạm dừng tăng phí theo đề xuất của Bộ GTVT và một số địa phương dựa trên cơ sở thực tế khi chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với dự kiến. Đề xuất điều chỉnh này cũng dựa trên cơ sở các điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng với các nhà đầu tư.

Hợp đồng mở nên có thể điều chỉnh

Ngày 6/1, trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, việc tăng phí tại một số trạm BOT nằm trong lộ trình hoàn vốn của nhà đầu tư khi tính toán phải trả ngân hàng. Việc tăng phí cũng đã được tính toán trong mức độ có thể chấp nhận được. Đối với một số trạm có mức tăng vọt là do có các trạm gộp lại chứ không phải do một trạm đơn lẻ tăng phí vì thế mức tăng không phải là cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều yếu tố thay đổi so với dự kiến trong hợp đồng BOT đã ký nên Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và nhà đầu tư để có sự điều chỉnh ở mức phù hợp nhất.

"Thời gian qua, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã có sự thống nhất quan điểm trong việc cùng có những xử lý đối với các trạm cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế của các trạm cũng như tình hình thu nhập của các doanh nghiệp trong vùng. Ngoài ra, tại các trạm tăng phí, cũng cần đưa ra mức phí phù hợp với người dân qua lại thường xuyên”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Hồng Trường

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, Bộ GTVT đề xuất tạm thời chưa tăng phí tại một số trạm là căn cứ vào tình hình lạm phát thấp hơn nhiều so với dự kiến. “Đề xuất này bảo đảm cho các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện kinh doanh tốt hơn, nhất là vấn đề lưu thông hàng hoá trong dịp Tết”, Thứ trưởng Trường nói và cho biết, trong quá trình tạm dừng tăng phí theo lộ trình đã xác định, nhà đầu tư sẽ phải đàm phán với các ngân hàng để đảm bảo phù hợp với lộ trình hoàn vốn, trả vốn vay ngân hàng. Khi ngân hàng chấp nhận, sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận điều chỉnh thông tư thu phí cho phù hợp.

Cho biết quan điểm về đề xuất tạm dừng tăng phí tại các trạm BOT, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cũng cho rằng, trong các hợp đồng BOT đã ký với các nhà đầu tư, bao giờ cũng có các điều khoản về điều chỉnh hợp đồng theo tình hình thực tế. Điều này xuất phát từ thực tế là hợp đồng BOT có thời hạn rất dài, thường là trên 20 năm, trong đó có nhiều yếu tố trong phương án tài chính của hợp đồng lúc ký dự kiến như: chỉ số trượt giá (CPI), lưu lượng xe qua các trạm, các chi phí quản lý, bảo trì các tuyến đường, chi phí lãi vay..., ngoài ra chi chí đầu tư dự án khi hoàn thành, quyết toán mới xác định được chính thức và thường là có thay đổi so với mức trong hợp đồng đã ký. Khi chỉ số CPI thay đổi thì một số yếu tố đầu vào trong phương án tài chính của hợp đồng cũng thay đổi theo, như chi phí tổ chức thu phí, chi phí quản lý, sửa chữa định kỳ và sửa chữa thường xuyên.

”Thông thường khi xác lập hợp đồng chỉ số CPI thường được dự kiến ở khoảng 6%/năm. Tuy nhiên, khi mức trượt giá trong thời gian gần đây, nhất là năm 2015 thấp hơn nhiều so với dự kiến nên một số yếu tố đầu vào của phương án tài chính sẽ giảm do vậy sẽ rút ngắn được thời hạn của hợp đồng. Vì vậy nên có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư với người dân, doanh nghiệp vận tải”, ông Quốc bày tỏ.

Nhà đầu tư đồng tình lùi tăng phí

Theo thông tin mới nhất từ Bộ GTVT, tính đến ngày 5/1, trong số 23 trạm theo lộ trình tăng phí của Bộ Tài chính từ ngày 1/1/2016, đã có 14 trạm tăng phí, 9 trạm còn lại chưa tăng do nguyên nhân chưa đến thời điểm tăng, chưa được tăng vì còn phải di chuyển trạm sang vị trí khác hoặc đang làm nghiệm thu nên chưa được tăng. Trong số 9 trạm này có 3 trạm đã đủ điều kiện tăng theo lộ trình nhưng chưa tăng, gồm 1 trạm trên QL14 và 2 trạm trên QL1.

Nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt Toàn Mỹ 14 - đơn vị thực hiện đoạn QL14 từ Km1793+600 – Km1824, tỉnh Đắk Nông là 1 trong 3 nhà đầu tư đến thời điểm này chưa tăng phí dù theo lộ trình của Bộ Tài chính được tăng phí từ ngày 1/1/2016. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Đặng Đức Hoàng, Giám đốc công ty này cho biết: “Theo tôi, việc tạm dừng tăng mức phí như quan điểm của Bộ GTVT là dựa trên cơ sở thực tế. Chúng tôi cho rằng, khi Bộ GTVT đưa ra kiến nghị như vậy cũng đã có những nhận định, đánh giá về tình hình thực tế. Đối với nhà đầu tư, dù việc lùi thời gian tăng phí có thể khiến thời gian thu phí chậm lại so với phương án ban đầu, nhưng cũng không quá ảnh hưởng bởi sau khi tạm dừng tăng phí vẫn sẽ có những tính toán phù hợp để đảm bảo quyền lợi và phương án hoàn vốn của các nhà đầu tư”. 

Ngày 25/12/2015, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Tài chính. Tại văn bản này, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GTVT và các nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số trượt giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ GTVT đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016) tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016.

Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính đã có công văn hồi đáp và cho rằng cần đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án như: Mức phí, thời gian thu, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân... Đồng thời, cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân ngay từ việc đánh giá ký kết hợp đồng đến quá trình thực hiện và triển khai thu phí theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng đã ký kết...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.