Anh ta đẩy về phía Phi chiếc phong bì và bảo:
- Sự thật là do anh tạo ra. Anh nói nó là sự thật thì người ta tin nó là sự thật. Anh nói nó không phải là sự thật thì nó không phải là sự thật.
- Rất tiếc tôi chỉ là một nhà báo. Việc của tôi là viết ra sự thật chứ không phải là thay đổi sự thật.
- Vấn đề chỉ là muốn hay không muốn. Thế thôi. Nếu anh thấy quá khó khăn để nói ra thì chỉ cần im lặng là đủ. Cái này anh làm được chứ?
Phi ngả người ra ghế rít một hơi thuốc dài. Trong chiếc phong bì kia hẳn là món tiền không hề nhỏ. Họ đã bịt miệng biết bao nhiêu nhà báo bằng tiền như thế. Để ngang nhiên xả thải ra dòng sông vốn bao năm hiền hòa chảy qua miền quê yên ả. Con sông này là cả một vùng kí ức gắn liền với tuổi thơ Phi trầm mình dưới dòng trong vắt. Cùng bố đi cất vó tôm, câu cá mỗi chiều. Cùng mẹ ra sông gánh nước tưới ngô. Cùng lũ bạn bơi qua sông mùa cạn để sang bờ bên kia bẻ trộm mía về ăn.
Ngày ấy chị em Phi còn có thêm thú vui bắt hến ngoài sông. Hến nhiều và to lắm, bắt tầm nửa tiếng là được bữa canh ngon. Sông chạy qua làng, làng bám vào sông mà sống. Đêm nằm ngủ còn nghe thấy sông chảy êm đềm trong giấc mơ bé bỏng. Ngụm nước mát uống vội ngoài sông còn ngọt ngào trong tâm thức.
Nhưng từ khi nhà máy đường đi vào hoạt động xả thải bừa bãi thì dòng sông quê hương đã không còn trong lành nữa. Nước sông đen đặc, mùi hôi thối bốc lên chẳng cá tôm nào có thể sinh sống nổi. Nguồn nước sinh hoạt trong làng cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Phi về làng nhìn cột khói đen ngòm, bụi tro bám đầy trên từng vòm lá mà thấy xót xa. Tiếng kêu cứu của quê hương vang vọng trong tâm trí của một người con luôn đau đáu về nơi chôn rau cắt rốn. Phi nhanh chóng rời khỏi phòng khách của nhà máy đường trước khi nói với người đối diện: “Anh biết đấy, sự thật sẽ cất lên tiếng nói cho dù tôi có im lặng hay không”.
Phi mở cổng bước vào sân nhà, mùa này lá rụng ngập lối đi. Căn nhà đã nhiều năm không người ở. Bố mẹ Phi theo con cháu xuống thành phố nên đóng cửa nhà để đó, một năm đôi ba bận về làm giỗ ông bà. Phi cầm chổi vun lá khô vào một góc châm lửa đốt. Nhà cửa bám đầy bụi bặm, mất nửa tiếng đồng hồ Phi mới quét dọn xong. Anh định ra giếng múc một gầu nước rửa mặt mũi tay chân nhưng vừa mở nắp giếng ra đã thấy nước nổi đầy váng. Đâu rồi những mạch nước trong vắt, uống một ngụm là mát lịm tim gan? Phi xa quê nhớ nhất vẫn là góc sân, giếng nước. Có những trưa nắng gắt đứng giữa đường chờ mấy chục giây đèn đỏ Phi đã ước ao được vục mặt vào gầu nước mát mà uống no nê. Nhà trọ chật chội, mồ hôi nhớp nháp nên có đêm Phi đã nằm mơ thấy từng gầu nước giếng quê dội xuống người mình. Vợ Phi cũng thường nhớ đến ngày đầu tiên về ra mắt nhà chồng đã được mẹ múc từng gầu nước gội đầu. Nước trong vắt, soi tỏ những đám mây bồng bềnh bay trong đáy chậu. Đêm hẹn hò dắt nhau đi qua thềm giếng, ngó xuống thấy vầng trăng tròn vành vạnh và hai mái đầu chụm lại hẹn thề. Thế mà giờ giếng chết. Chết chìm trong thứ chất dính nổi váng trên bề mặt.
- Phi về đấy à con? Ngẩn ngơ gì ngoài giếng thế kia? Đừng dùng nước giếng mà nổi mẩn ngứa lên đấy. Sang nhà bác lấy ít nước máy về dùng. Dân làng đã bỏ giếng từ lâu rồi cháu ơi.
- Con về từ sáng bác Bảy ạ. Nhưng bận công chuyện giờ mới ghé qua nhà. Mấy lần trước về vội quá còn không kịp vào thắp hương cho các cụ.
- Con về là tốt rồi. Mọi người chờ mong con suốt. Chỉ có người chôn rau cắt rốn nơi đây mới biết xót thương đến từng mạch nước. Chứ dân mình kêu cứu mãi rồi, báo tỉnh cử phóng viên về rồi lại đi. Nhà máy vẫn hoạt động, khói bụi và nước bẩn vẫn thải ra. Tội nhất vẫn là lũ trẻ thường bị bệnh hô hấp, viêm phế quản. Cháu còn nhớ ông Lĩnh ở đầu làng không?
- Có phải ông Lĩnh nhà làm bún không bác?
- Ừ, phải đấy. Ông ấy mới nhập viện hôm qua vì ho lao. Bụi quá mà. Thôi chuyện đó nói sau, tí qua nhà bác ăn cơm. Bò mới đẻ, kiếm được cái rau bò xào lên thơm đáo để nha Phi.
Phi bước từng bước nặng nề trên con đường làng, mọi thứ vẫn còn thân thuộc trong trí nhớ. Chính nơi này đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà báo của Phi kể từ khi còn là thằng con trai mới lớn, đen nhẻm và thích trò lặn ngụp dưới sông. Bao nhiêu năm đi xa, quê hương chỉ réo gọi Phi bằng nỗi nhớ thơm hương lúa chín, ngọt ngào bốn mùa quả trong năm hay thứ tình làng nghĩa xóm bịn rịn nhau đến từng cái nắm tay, từng lời chào hỏi. Có ai ngờ đến một ngày quê hương cất lên những lời kêu cứu. Trong cuộc đời hơn mười năm làm báo, Phi đã từng nỗ lực cùng đồng nghiệp cứu những phận người, dòng sông, con đường, ruộng đất. Thì không có lẽ gì lại từ chối dọn rác cho quê hương của chính mình. Chuông điện thoại reo lên. Vẫn là những con số ấy. Phi nhẩm thầm “ 0988..” rồi ấn tắt máy. Phi không muốn phải nghe bất cứ cuộc thương lượng nào từ người của nhà máy đường nữa. Sự thật là sự thật. Không ai có thể thay đổi được thực trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động ở đây. Trừ khi họ chịu trách nhiệm với bà con nơi đây và tiến hành xây dựng một hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn hạn chế đến mức tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Bảy kéo Phi ngồi xuống chiếu bên mâm cơm đã được dọn sẵn ra. Có bát cà muối, rau bò xào và bát canh cua thiên lý. Ông Bảy sai cháu đóng hết cửa nhà, quay sang bảo Phi:
- Hôm nay trời gió quá. Nếu không đóng cửa thì gió thốc bụi bay từ ngoài trời vào nhà.
- Chắc do ở đây gần nhà máy đường quá. Còn những nhà ở xa thì sao bác, có bụi bặm vậy không?
- Khắp cả làng ấy chứ. Đám cưới, đám ma mà không phông bạt cẩn thận thì cả mâm cơm bụi bám đầy như rắc hạt tiêu. Mà nghe nói người của nhà máy đường tìm gặp con đúng không? Con nên cẩn thận vẫn hơn.
Bữa cơm vừa xong thì dân làng kéo đến. Phi chạy ra nắm tay từng người, hồi tưởng lại những khuôn mặt trong kí ức. Đây là người từng cứu Phi khỏi nọc độc của rắn năm mười bốn tuổi. Đây là người từng rất nhiều năm cưu mang gia đình Phi trong những năm đói kém bằng vài bát gạo, ít tiền dúi vào tay mẹ, mấy thang thuốc nam chữa đau lưng. Đây là người từng một lần tưởng chết hụt dưới sông trong mùa nước lớn, khi nhoài người vớt củi trôi từ miền ngược xuống.
- Ôi kìa, Phụng đấy à? Về bao giờ thế?
Phi ôm chầm lấy người bạn thuở chăn trâu cắt cỏ. Lắc mạnh bờ vai rắn rỏi của bạn. Mười năm xa cách đến giờ họ mới có dịp gặp lại nhau. Bạn phiêu bạt từ Bắc vào Nam, thỉnh thoảng mới về thăm quê đôi ba ngày lại đi. Phi thì chỉ giỗ Tết mới tranh thủ về quê nên dù nhớ nhau cũng chẳng có cơ hội gặp lại bạn bè. Hỏi thăm thì biết bạn sang Nhật làm ăn, nghe nói lương cũng cao, Phi thầm mừng cho bạn. Giờ gặp lại nhau vui quá, cảm giác như vừa mới hôm qua hai đứa còn rủ nhau trèo cây lấy trứng chim, bơi qua sông bẻ mía.
- Tớ về được mấy tháng rồi mà cứ tình hình này chắc bỏ quê mà đi tiếp mất.
- Tôi thì nhiều lúc chỉ muốn bỏ phố về quê thôi ông ạ.
- Ai chả vậy. Tha phương đất khách quê người chỉ cần nghe một tiếng nói quê hương đã thấy thèm. Nhưng ông thấy đấy, người dân quê mình giờ sống khổ quá. Nguồn nước và không khí đều ô nhiễm, cứ thế này không biết chết lúc nào.
Phi nén tiếng thở dài buông mình ngồi xuống ghế. Anh nhìn từng khuôn mặt người khắc khổ, nghe từng tiếng cậy nhờ mà lòng nặng trĩu. Vì Phi biết mọi thứ chẳng bao giờ dễ dàng. Nhất là khi những người đứng đầu nhà máy đường chỉ nghĩ đến lợi nhuận của họ mà không hề nghĩ đến hậu quả mà họ gây ra. Họ đang tìm mọi cách bịt miệng sự thật và ngang nhiên thách thức dư luận. Chính quyền cũng không đứng về phía người dân, không nghe thấy tiếng kêu cứu của con sông, giếng nước. Trong đám đông dân làng bắt đầu vang lên vài tiếng ho hục hặc. Những tiếng ho không dứt và ngày càng khổ sở hơn. Tiếng ho như đánh dạt mọi người xung quanh, cảm tưởng như sắp bung cổ họng. Mọi người chạy đến đỡ bà cụ ngồi xuống ghế. Bà ôm lấy ngực mình, ngửa mặt lên trời, há hốc miệng thở gấp. Có ai đó hô mọi người dãn ra để bà cụ dễ thở, ai đó vội vàng vỗ nhẹ lưng bà.
- Khổ thế đấy. Khéo mà ho lao cũng nên.
- Tôi già rồi có thế nào cũng đỡ xót xa. Chứ nhìn mấy đứa chắt ho rạc người vì khói bụi mà đau lòng lắm.
Bà cụ nắm lấy tay Phi, run run nhờ cậy:
- Cả làng có mỗi cháu học rộng hiểu nhiều lại làm nhà báo. Thôi thì trông cậy cả vào cháu.
Phi nắm lấy tay bà. Chính giây phút này Phi biết mình phải đi đến tận cùng sự thật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận