Đời sống

Tận thấy diêm dân "đội nắng" gần 40 độ sản xuất muối

07/07/2022, 08:00

Những diêm dân ở vùng ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) ướt đẫm mồ hôi dưới cái nắng gay gắt gần 40 độ C để làm ra những hạt muối trắng.

Những ngày này, dưới tiết trời oi bức có lúc gần 40 độ C nhưng nhiều diêm dân vẫn hăng say trên cánh đồng muối ở thôn Tam Hoà, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá).

img

Mặc dù nắng nóng nhưng những diêm dân ở thôn Tam Hoà, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) vẫn miệt mài làm muối

Ông Đỗ Văn Mo (70 tuổi, trú tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết, nghề làm muối đã theo chân mấy chục năm nay. Nghề này phải tranh thủ làm việc trong thời tiết nắng nóng mới đạt hiệu quả. Trước đây, trong làng rất nhiều người làm muối nhưng hiện nay chủ yếu là trung niên, già cả bám trụ với nghề. Thanh niên trai trẻ hầu như đi làm công ty, hoặc kiếm việc khác vì nghề muối làm vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu.

img

Ông Đỗ Văn Mo đang nạo những lớp muối kết tinh trên bề mặt xi măng

Theo như ông Mo, quy trình làm muối có nhiều cái "ngược" so với làm nghề khác. Để tạo ra hạt muối thì cần phải dựa vào thời tiết, chủ yếu trong tháng 6 và 7 hàng năm. Trời càng nắng to, vụ mùa càng được, hạt muối kết tinh với chất lượng cao.

img

Để làm được muối, trước tiên người dân phải lấy nước biển tưới lên nền cát cho thẩm thấu

Ông Lê Văn Công (50 tuổi, trú tại thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc) cho biết: Sau khi phủ cát lên nước biển, cát sẽ hút nước mặn vào, chờ đến khi cát khô, sẽ gom lại và đưa vào hệ thống lọc thô sơ, lọc lấy nước muối.

img

Ông Lê Văn Công cho biết, khi cát đã ngấm nước biển sẽ được hót chở đến giai đoạn lọc nước thô sơ

Tiếp đến dùng gàu múc nước muối đã lọc đổ vào hệ thống máng xi măng cho chảy ra khu vực ruộng phơi được tráng bằng xi măng. Sau khi đạt được độ kết tinh, dùng cào để gom muối lại đem về kho lưu trữ cất.

img

img

Nước muối sau khi lọc sẽ được múc đổ ra đường dẫn đến các sân phơi

Ông Lê Doãn Huân - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết, hiện nay diện tích đất làm muối của xã khoảng hơn 70 ha, với khoảng 40% dân số với khoảng gần 300 hộ gia đình. Trước đây diện tích dành cho nghề muối là 100 ha vì đây là nghề truyền thống và nghề chính của địa phương.

img

Theo phản ứng, nước biển mặn gặp nắng to sẽ bốc hơi để lại kết tinh là những hạt muối trên bề mặt xi măng

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người dân thay đổi hoạt động kinh doanh, chủ yếu chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản nên địa phương chuyển đổi đất sang đầu tư hạ tầng khu dân cư, xây dựng công trình công cộng, kinh doanh dịch vụ...

img

Những vựa muối được nạo vét cẩn thận

img

Sau đó được vận chuyển đưa vào khó chứa bảo quản trước khi mang đi bán

Cũng theo ông Huân, những người bước vào tuổi lao động thường đi xa làm ngành nghề kinh doanh khác không còn mặn mà với nghề muối. Hiện nay chỉ có những người già, trung niên vẫn bám trụ với nghề.

img

Người dân thôn Tam Hoà hăng say làm việc trên cánh đồng muối dưới tiết trời oi bức có lúc gần 40 độ C

"Giá muối tính đến thời điểm này được khoảng 22.000 đồng/yến. Chủ yếu bà con bán lẻ cho các nơi hoặc đổi muối lấy gạo. Trung bình 6 tháng đầu năm nay sản lượng muối đạt khoảng 900 tấn. Còn như trước đây đạt từ 3.000 đến 3.500 tấn", ông Huân cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.