Hồ sơ tài liệu

Tân Tổng thống Iran là ai?

06/07/2024, 19:09

Tuy là ứng viên theo đường lối cải cách duy nhất tranh cử Tổng thống Iran nhưng ông Masoud Pezeshkia đã giành thắng lợi vang dội và được cho là sẽ có cách tiếp cận cởi mở hơn với phương Tây.

Sẵn sàng đối thoại với cả kẻ thù

Theo hãng tin CNN, giới chức bầu cử Iran ngày 6/7 tuyên bố nhà cải cách Masoud Pezeshkian đã đánh bại đối thủ theo đường lối cứng rắn Saeed Jalili trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran. 

Cụ thể, ông Pezeshkian giành được hơn 16,3 triệu phiếu bầu, bỏ xa ông Salili, người về thứ 2 chỉ nhận được 13,5 triệu phiếu bầu.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Pezeshkian nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ chìa bàn tay thân thiện, hữu nghị tới tất cả mọi người đồng thời sẽ tận dụng tốt nhất nỗ lực của từng người vì sự phát triển của quốc gia".

Tân Tổng thống Iran là ai?- Ảnh 1.

Tân Tổng thống Iran Pezeshkian được đánh giá là có quan điểm thân thiện hơn với phương Tây (Ảnh: AP).

Cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn tại Iran diễn ra sau khi Tổng thống tiền nhiệm Ebrahim Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng hồi tháng 5. Ông Pezeshkian là ứng viên theo đường lối cải cách duy nhất trong cuộc đua lần này.

Trong một dòng trạng thái đăng trên tài khoản X, ông Pezeshkian kêu gọi người dân Iran cần đoàn kết và ủng hộ Chính phủ mới.

Tân Tổng thống Pezeshkian cũng từng thể hiện quan điểm rõ ràng rằng ông sẵn sàng đối thoại với đối thủ của Iran, đặc biệt là về vấn đề chương trình hạt nhân. Ông Pezeshkian coi đó là một biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề trong nước.

"Trở ngại lớn nhất của chúng ta chính là cách nhìn nhận: Liệu có muốn giải quyết vấn đề của chúng ta với thế giới không?", ông Pezeshkian tuyên bố.

Phương Tây kỳ vọng gì vào sự thay đổi?

Các chuyên gia cho rằng, một khuôn mặt mới nắm quyền Tổng thống Iran theo đường lối ôn hòa hơn sẽ tạo điều kiện để các cuộc đối thoại giữa Iran với các quốc gia phương Tây dễ dàng hơn. 

Với vấn đề đối nội, ông Pezeshkian có thể đưa ra đề xuất nhằm cải cách xã hội.

Ông Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện nghiên cứu Chatham House, nhận định, rất khó để những gì ông Pezeshkian cam kết trong quá trình tranh cử được chuyển biến ngay thành chính sách của chính phủ.

Tân Tổng thống Iran là ai?- Ảnh 2.

Vụ Iran không kích đáp trả Israel hồi cuối tháng 4 khiến quan hệ giữa 2 nước đặc biệt căng thẳng và ông Pezeshkian dường như cũng không muốn thay đổi chính sách với Israel (Ảnh: PressTV).

Thậm chí một số vấn đề khác còn khó có thể thay đổi hơn, đặc biệt là chính sách ngoại giao của Iran. 

Ông Pezeshkian lên nắm quyền Tổng thống vào thời điểm Iran đang leo thang căng thẳng với Israel và các đồng minh phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza và những bước tiến gần đây trong chương trình hạt nhân Iran.

Chỉ 3 tháng trước, Iran và Israel đã lần đầu tiên xảy ra giao tranh khi cuộc xung đột ở Dải Gaza lan rộng. Israel thậm chí còn chuẩn bị cho một đợt tấn công thứ 2 nhằm vào phong trào Hezbollah ở Lebanon vốn nhận được sự hậu thuẫn của Iran.

Các chuyên gia nhận định, ông Pezeshkian sẽ không thay đổi chính sách của Iran trong vấn đề Israel bởi ông từng ca ngợi Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, người bị Mỹ ám sát trong một đợt không kích hồi năm 2020.

Theo các chuyên gia, dù nhiều quốc gia phương Tây không mấy kỳ vọng cuộc bầu cử lần này có thể thay đổi mối quan hệ với Iran song ông Pezeshkian vẫn là ứng viên được yêu thích hơn cả khi các ứng viên còn lại theo đường lối cứng rắn gần như chắc chắn sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng hiện tại.

Ông Pezeshkian xuất thân trong một gia đình đa sắc tộc. Cha ông là một người Azeri và mẹ ông là một người Kurd.

Sau khi mất cả vợ và một người con trong vụ tai nạn xe hơi năm 1994, ông dành hầu hết thời gian cho các hoạt động chính trị. Ông từng tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 2013 và 2021 nhưng đều thất bại.

Trước khi thắng cử trở thành Tổng thống Iran, ông Pezeshkian là một nhà phẫu thuật tim kỳ cựu đồng thời là một nhà lập pháp. Ông cũng là Bộ trưởng Y tế dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.