Thị trường

Tăng giá điện: Cần minh bạch chi phí đầu vào - đầu ra

27/02/2023, 19:05

Theo các chuyên gia, việc tăng giá điện khoảng 5-7% có thể chấp nhận được với mục tiêu lạm phát năm 2023, nhưng cần minh bạch đầu vào - ra.

Dự báo giá điện tăng 5-7%: Lạm phát chấp nhận được?

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, dự báo giá bán lẻ điện năm nay sẽ tăng khoảng 5-7%.

Cơ sở của dự báo này, ông Lực giải thích là theo quy luật “nhập khẩu lạm phát” của Việt Nam.

Theo ông Lực, năm ngoái lạm phát thế giới đạt đỉnh nhiều năm, nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng chỉ số giá tiêu dùng chỉ 3,15%.

img

Việc tăng giá điện đang được cân nhắc. Các chuyên gia cho rằng mức tăng 5-7% có thể chấp nhận được, nhưng cần minh bạch đầu vào - ra. Ảnh: Phương An

Năm nay, giá thế giới đang có xu hướng giảm, song Việt Nam sẽ tăng, chậm nhất là hết quý 1 năm nay, do nền kinh tế trong nước có độ trễ so với thế giới.

“Doanh nghiệp nhập các nguyên liệu về, sau đó sản xuất hàng hóa, rồi bán hàng, người tiêu dùng sẽ phải trả giá cuối cùng cho sản phẩm đó (nhập khẩu lạm phát), độ trễ mất khoảng 6 tháng", ông Lực diễn giải.

Giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng trong 10 năm (giai đoạn 2009 - 2019). Trong đó, năm 2009 giá bán lẻ điện bình quân là 948,5 đồng/kWh, sau đó tăng lên 1.058 đồng/kWh vào năm 2010.

Năm 2011, giá điện tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.220 đồng/kWh. Cũng trong năm 2011, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.220 đồng/kWh lên 1.304 đồng/kWh. Năm 2012, tăng lên 1.369 đồng/kWh (lần 1) và tăng lên 1.437 đồng/kWh (lần 2). Và tăng tiếp lên 1.720 đồng/kWh vào năm 2018; lên tới 1.864 đồng/kWh vào năm 2019.

Trong bối cảnh đó, với nhiều chi phí đầu vào sản xuất tăng, bắt buộc Nhà nước trong thời gian tới phải điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng nhất định. Chẳng hạn, tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục…

Thực tế, Việt Nam đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 là dưới 4,5%. Ông Lực cho rằng, đây là con số chấp nhận được, không cần thiết phải kiềm chế ở mức thấp như năm 2022.

“Do đó, người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023, dự báo 5-7%”, ông Lực nhấn mạnh.

Với mức tăng trên, chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức đánh giá, việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng so với tác động của các chính sách tài khoá, tiền tệ thì tác động này không lớn bằng.

"Nói chung, lạm phát cả thế giới đều tăng, Việt Nam cố gắng nằm ngoài xu hướng đó thì cũng có cái được và cái mất. Nhưng nếu cứ xa rời xu hướng thế giới lâu quá, nhiều quá, thì cái mất nhiều hơn cái được", chuyên gia này nhận định.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo: "Việc điều chỉnh giá điện cần được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định".

“Cần làm rõ chi phí đầu vào - ra”

Đồng ý tăng giá điện là cực chẳng đã, song TS Võ Nhật Vinh - chuyên viên Nghiên cứu và Phát triển tại khu công nghệ Sophia Antipolis (Pháp) cho rằng, để có sự đồng thuận của người dân thì cần minh bạch số liệu. Tức là cần làm rõ chi phí đầu vào và đầu ra tương ứng.

img

Giá than tăng mạnh là nguyên nhân ngành điện lỗ kỷ lục. (Ảnh: Biểu đồ giá than 30 năm qua)

Ngoài ra, chi phí sản xuất điện phụ thuộc vào cấu trúc của ngành điện, cấu trúc sản phẩm mà ngành điện cung cấp như thuỷ điện, điện khí, điện than, điện tái tạo (gió, mặt trời). Cho nên, cần phải làm rõ những chi phí đầu tư cơ bản, chi phí cố định, chi phí phụ thuộc theo sản lượng, chi phí nhập khẩu.

"Ví dụ với 1 kWh điện, EVN phải đầu tư để sản xuất như thế nào và chi phí trên mỗi tấn than, mỗi m3 khí nhập vào ra sao. Nếu số liệu rõ ràng, tôi tin rằng, người dân cũng tin tưởng vào những biến động về giá và có thể chấp nhận việc tăng giá điện", ông Vinh nói.

EVN dự báo số lỗ trong 2 năm 2022 và 2023 dự kiến lên đến hơn 93 nghìn tỷ đồng. Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá cho rằng: "Con số lỗ lên đến mấy chục nghìn tỷ đó có đúng hay không cần phải được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm tra, xác định một cách khách quan, công bố công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận của người tiêu dùng trong xã hội”.

Bao giờ tăng giá điện?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một chuyên gia ngành điện (yêu cầu giấu tên) cho biết, EVN đã xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân cho năm 2023 và đề xuất mức tăng giá bán điện.

Về thời gian điều chỉnh tăng giá điện, vị này cho biết, theo quy trình, EVN sẽ phải hoàn thiện các báo cáo về chi phí tài chính, sau đó phải hoàn thành kiểm toán. “Có nhanh cũng phải đến cuối tháng 4 mới xong nếu mọi việc trơn tru”, vị này nói và cho hay, Bộ Công thương sẽ rà soát, kiểm tra sau kiểm toán.

Theo đúng cơ chế của quyết định 24 về quy trình điều chỉnh giá điện, vị này cho rằng, phải khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay đề xuất điều chỉnh giá điện mới có thể được xem xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.