Đô thị

Tăng quỹ đất cho giao thông để chống ùn tắc, cách nào?

03/08/2022, 10:00

Theo Luật GTĐB, tỷ lệ quỹ đất giao thông so với đất XD đô thị loại đặc biệt phải đạt 24-26%. Thực tế, Hà Nội chưa đạt được nửa tiêu chuẩn này.

Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua đã khẳng định, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị phải được tăng lên trong thời gian tới. Giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu này?

img

Đường Tố Hữu thường xuyên ùn tắc, quá tải phương tiện

Bài 1: Đường không mở rộng còn bị “bức tử” bởi cao ốc

Hiện tốc độ tăng ô tô tại Hà Nội khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Quy mô dân số cũng không ngừng tăng, trong khi các tuyến đường hầu như không được mở rộng.

Đường chật như nêm

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong những ngày cuối tháng 7, vào giờ cao điểm, trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương ken đặc phương tiện, người tham gia giao thông liên tục phải chôn chân trên nhiều đoạn đường.

Trước đây, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu không bao giờ ùn tắc nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, quá nhiều chung cư mọc lên trong khi lòng đường vẫn chỉ rộng khoảng 24m cho lưu thông hai chiều.

Quan sát của PV, trên đoạn đường Lê Văn Lương chỉ hơn 2km nhưng đếm sơ cũng có tới khoảng 40 tòa nhà, khu chung cư cao tầng với đủ loại diện tích, chiều cao chủ yếu trên 25 tầng.

Điển hình như tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại, tòa nhà trung tâm thương mại Hadinco, HUD Tower, chung cư cao tầng của Công ty CP Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội… với quy mô dân số lên tới hàng chục nghìn người. Điều này dẫn tới áp lực giao thông đang đè nặng lên tuyến đường.

Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), dù đoạn đường chỉ hơn 1km nhưng hai bên có khoảng hơn 20 tòa nhà, khu chung cư cao tầng với đủ loại diện tích, chiều cao.

Đơn cử, dự án Chung cư số 90 Nguyễn Tuân quy mô gần 500 căn hộ và 87 nhà liền kề. Dự án Gold Season tại số 47 cũng có quy mô lên đến khoảng 1.500 căn hộ… chưa kể còn một số tòa nhà quy mô nhỏ khác.

Nếu tính tổng hơn 20 tòa nhà tại đây có thể lên đến cả chục nghìn căn hộ. Đáng nói, trong khi tuyến đường chỉ rộng khoảng 6m cho lưu thông 2 chiều đang ùn tắc nghiêm trọng, vẫn đang có khoảng 3 - 5 dự án nhà cao tầng khác tiếp tục được thi công.

Ông Nguyễn Văn Long (64 tuổi, cán bộ về hưu sinh sống trên trục đường Nguyễn Tuân) cho hay, trước đây đường Nguyễn Tuân dù hẹp nhưng hai bên đường chủ yếu chỉ là nhà dân, đường không bao giờ tắc. Mấy năm trở lại đây, từ khi các tòa nhà cao tầng mọc lên, kéo theo lượng dân cư và ô tô con quá lớn, trong khi giao thông không được mở rộng khiến tuyến đường quá tải.

Trên trục đường Trần Phú (quận Hà Đông), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) dù có lòng đường rộng 40m cho lưu thông 2 chiều nhưng giao thông ở đây vẫn liên tục ùn tắc. Có nhiều đoạn đường như khu vực gần Học viện An Ninh, ngã ba đường Chiến Thắng - Trần Phú… giờ cao điểm luôn đông nghẹt phương tiện.

Tình trạng ùn tắc do quá tải lưu lượng phương tiện trên hàng chục tuyến đường khác như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Láng Hạ… cũng thường xuyên diễn ra.

Quy hoạch đô thị không gắn với giao thông

img

Trục đường Tố Hữu đi Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên trường Đại học GTVT, đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương, Tố Hữu… hiện nay liên tục tắc, không kể khung giờ nào.

“Vài năm trước, một phường của Hà Nội thường có quy mô dân số khoảng 19.000 - 20.000 người nhưng giờ con số đó sẽ nhân thêm nhiều lần do các tòa chung cư mọc lên ken kín”, bà Thủy lý giải câu chuyện ùn tắc do các tòa cao ốc mọc lên, còn các tuyến đường không được mở rộng sau nhiều năm.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội hiện nay dày đặc nhà cao tầng. Điều này hoàn toàn đi ngược các nguyên lý về quy hoạch và thiết kế đô thị chuẩn mực của thế giới.

Ông Nghiêm dẫn chứng, đường Lê Văn Lương với chiều dài khoảng 1,5km, chỉ tính nhà cao tầng sát mặt đường là 27 tòa, với chiều cao phổ biến từ 20 - 30 tầng, cao nhất lên tới trên 40 tầng, chưa tính các tòa nhà cao tầng ở lớp bên trong.

Còn trên đường Tố Hữu với chiều dài 2,5km có 16 tòa nhà cao tầng đã được xây dựng và chưa biết đây liệu đã phải là con số cuối cùng hay chưa. Đây là một mật độ cao đến mức khó tin.

“Không thể duy trì một hiện trạng kiến trúc đô thị với một rừng nhà cao tầng, vì đây là bộ mặt Thủ đô. Hướng giải quyết về lâu dài trong vòng 10 - 15 - 20 năm nữa là sẽ phải dỡ bỏ một số lượng nhất định nhà cao tầng đã xây để dần đảm bảo các quy định về xây dựng được tuân thủ nghiêm ngặt”, ông Nghiêm nói và cho rằng, sai phạm trong quy hoạch đô thị là một bài học vô cùng đắt giá.

Căn cứ vào số liệu đếm xe mới đây của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hàng loạt các tuyến đường nội thị của TP đang quá tải nhiều lần. Cụ thể, trên đường Lê Văn Lương hướng đi Láng quá tải 3,9 lần, đường Tố Hữu hướng đi Lê Văn Lương quá tải 1,7 lần, đường Nguyễn Trãi hướng vào trung tâm quá tải hơn 6 lần…

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi phải thực hiện công tác đếm xe trên nhiều tuyến đường để có căn cứ tổ chức lại giao thông cho phù hợp với lưu lượng hiện tại”.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, quy hoạch cho giao thông cần phải được đi trước, sau đó mới quy hoạch đô thị, cư dân, giao thông mới không bị ùn tắc. Tuy nhiên, thực tế ở Hà Nội lại khác, các đô thị thi nhau mọc lên, giao thông phải gồng gánh quá lớn lượng phương tiện, dẫn đến ùn tắc.

Theo thống kê, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông tại Hà Nội còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu (theo yêu cầu, tỷ lệ này phải đạt từ 20 - 26%). Hiện tốc độ tăng của ô tô khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.