Thị trường

Tăng tốc chuyển đổi số: Cần nâng vai trò “công dân số”

09/10/2022, 14:07

Năm 2022 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Kinh tế số đã đạt 10,41% GDP

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”, diễn ra ngày 9/10, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT) cho biết, đến nay, chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Theo ông Tiến, nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về CĐS, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về CĐS trong bối cảnh đại dịch, thì năm 2022 là năm đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Còn giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc CĐS với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

img

Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”, do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì

Thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021.

Với lĩnh vực giao thông, vận tải, ông Phùng Trọng Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT khẳng định, chuyển đổi số đã mang lại hàng loạt lợi ích.

Đó là, bên cạnh việc hình thành được dữ liệu tập trung để phục vụ việc quản lý, điều hành, thì chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải đã cũng đem đến hàng loạt lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, như: Có thể thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu; Tiết kiệm thời gian và chi phí; Tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; Hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau; Hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính,…) giúp quản lý thuận tiện hơn.

Để có cơ sở dữ liệu dân cư, nhằm giúp các dịch vụ số đơn giản, người dân không phải nhập nhiều thông tin, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành từ 1/7/2021 với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu "gốc" của toàn bộ công dân Việt Nam.

“Việc cấp thẻ CCCD gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) đã mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và hệ thống định danh, xác thực điện tử cũng đã được đưa vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022”, ông Tấn nói.

Để tăng tốc: Cần nâng vai trò “công dân số”

Tuy vậy, kết quả trên vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP. Một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện CĐS là thiếu kỹ năng số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ.

Ông Dũng cho rằng, các vấn đề cần giải quyết là: “Làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho hơn 2 triệu công chức, viên chức? Làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho 100 triệu người dân Việt Nam?”.

Do đó, năm 2022, Bộ TT&TT đã định hướng trọng tâm của việc CĐS quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; Phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; Phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.

img

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng

Đưa ra các giải pháp để “tăng tốc” chuyển đổi số, ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng, ngoài việc các cơ quan ban ngành địa phương phải tạo điều kiện để chuyển đổi số, thì việc tham gia hồ hởi từ phía người dân, doanh nghiệp là điều đặc biệt quan trọng.

Theo ông Tiến, để triển khai 3 trụ cột “Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” thì mỗi trụ cột đó phải có những thành phần dẫn dắt, và phải có những nội dung để định hướng cho mỗi lĩnh vực.

Những doanh nghiệp chuyển đổi số lớn phải là đơn vị tạo ra nền tảng, tạo ra hệ sinh thái và dựa trên đó, các doanh nghiệp nhỏ sẽ tạo ra sản phẩm dịch vụ cho CĐS.

Tâm huyết với câu nói “không phải là cá lớn nuốt cá bé, mà cá nhanh sẽ nuốt cá chậm”, ông Tiến phân tích, ở CĐS, doanh nghiệp hơn nhau ở điểm “nhanh”. Tức là, nhiều doanh nghiệp CĐS nhỏ nhưng năng động, họ hoàn toàn vượt xa doanh nghiệp lớn.

Nói về vai trò của công dân, ông Tiến nhấn mạnh, mọi sản phẩm, dịch vụ CĐS đều thông qua công dân mới có thể cho kết quả. Vì thế, để tăng tốc thì chúng ta cũng phải tìm cách nâng vai trò từ công dân.

Theo ông Tiến, Bộ TT&TT đã hoàn thành thiết lập Cổng chuyển đổi số quốc gia (tại địa chỉ dx.gov.vn) để cung cấp thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.

Góp ý tại Hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp thẳng thắng khi cho rằng “Chúng ta nói nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu”.

Theo ông Hợp, Chính phủ số thì phải làm được ít nhất 3 việc: Họp không cần gặp nhau, xử lý công việc không cần giấy tờ và thanh quyết toán không dùng tiền mặt.

Còn về công dân số, ông Lê Doãn Hợp quả quyết: “Không cần nói nhiều, chỉ cần mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh kết nối là CĐS thành công rồi, tất cả mọi thứ ở trong đó hết!”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, Israel là nước thành công trong CSĐ cách đây hàng chục năm, mỗi Bộ ngành, địa phương chỉ cần chọn ra một người giỏi nhất sang Israel học hỏi để áp dụng với Việt Nam, đó là cách đi tắt và hiệu quả nhất…

Bộ TT&TT đã tổ chức phát động Chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của CĐS.

Theo đó, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với người dân trong tiến trình CĐS bằng cách, đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ.

Khách hàng mới sẽ có cơ hội được giảm tối đa 50% chi phí. Đối với khách hàng hiện nay, sẽ là cơ hội được sử dụng nhiều hơn 50% so với cùng chi phí bỏ ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.