Hạ tầng

Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

18/10/2017, 17:05

Chia sẻ được ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở GTVT, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình...

32

Ông Hà Hoàng Việt Phương

Chia sẻ được ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở GTVT, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi nhấn mạnh khi trao đổi với Báo Giao thông về các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Xin ông đánh giá về những kết quả nổi bật trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Quảng Ngãi thời gian qua?

Kết cấu hạ tầng giao thông là một yếu tố rất quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển KT-XH. Những năm qua, mặc dù nền kinh tế còn khó khăn, nhưng ngành GTVT đã chủ động, tích cực huy động nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được ưu tiên đầu tư, hình thành các trục giao thông liên kết quan trọng như: Đường Sông Trường - Trà Bồng - Bình Long (nay là QL24C, đã nối thông từ cảng Dung Quất với các tỉnh Tây Nguyên); nâng cấp, mở rộng QL1; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Dung Quất - Trà Khúc; đường Sơn Hà - Ba Tiêu; đường Sơn Hà - Sơn Tây… Cùng nhiều trục đường quan trọng tạo động lực phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh như: Đường trung tâm thị trấn Trà Xuân, đường bờ Nam sông Trà Khúc, đường Mỹ Khê - Trà Khúc, đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Công Phương, đường Hoàng Hoa Thám, nâng cấp mở rộng QL24 đoạn Thạch Trụ - Phổ Phong… tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đẩy mạnh phát triển KT-XH của tỉnh và trong khu vực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thống kê đến nay, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa các tuyến QL trên địa bàn tỉnh đạt 100%, đường tỉnh đạt hơn 97%. Ngoài ra, để góp phần phát triển KT-XH, du lịch, nhu cầu thông thương huyện đảo Lý Sơn, Sở GTVT đã đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Sa Kỳ; đang thực hiện đầu tư xây dựng cảng Bến Đình, dự kiến hoàn thành trong năm 2018…

Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược đột phá hạ tầng giao thông tỉnh thời gian tới, ngành GTVT có các giải pháp cụ thể gì thưa ông?

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển KT-XH của tỉnh. Do đó, tỉnh đã chủ động lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 1/7/2016 về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án để triển khai thực hiện. Mục tiêu trong thời gian tới, là tập trung xây dựng hoàn thành nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Dốc Sỏi - VSIP; xây dựng đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 2) và cầu Cửa Đại để kết nối tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm tạo ra hành lang phát triển kinh tế biển; nâng cấp mở rộng tuyến QL24C, 24B theo đúng quy mô đường quốc lộ, đồng thời kéo dài đoạn tuyến Sơn Hà - Sơn Tây kết nối với tỉnh Kon Tum qua xã Đắk Nên, huyện Kon Plông và nâng cấp thành một nhánh của QL24B; hoàn thành xây dựng đường tránh lũ và cứu hộ, cứu nạn vùng Tây Quảng Ngãi, đường tỉnh 624 (Quảng Ngãi - Minh Long), đường tỉnh 624B (Quán Lát - Đá Chát), đường tỉnh 624C (Đạm Thủy - Suối Bùn), đường Tịnh Phong - Cảng Dung Quất 2 và các tuyến đường trục quan trọng trong KKT Dung Quất…

31

Hạ tầng giao thông huyết mạch QL1 Quảng Ngãi đang được đầu tư, phát triển đồng bộ 

Trong bối cảnh ngân sách các địa phương còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực xã hội được ngành triển khai ra sao? Theo ông, đâu là những bài học kinh nghiệm thực tiễn?

Nhu cầu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn khó khăn hiện nay việc tranh thủ nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch là hết sức cần thiết. Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư thuận lợi của khu vực miền Trung; tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách thuận lợi hơn nữa để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt. Trong đó, tập trung xây dựng các đường trục chính, đường đến KCN, bến cảng để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực giao thông bằng vốn PPP, BT đối với các trục đường quan trọng trên địa bàn. Một trong những bài học kinh nghiệm để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội đó là phải xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, có cơ chế tài chính đặc thù nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được Quảng Ngãi triển khai ra sao trong phát triển lĩnh vực GTVT trên địa bàn thưa ông?

Cách mạng công nghiệp 4.0 khá mới mẻ đối với Việt Nam nhưng đã được Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ và thể hiện rõ trong nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngành GTVT đang hoạch định cụ thể những việc cần phải làm để ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển lĩnh vực GTVT trên địa bàn. Trong đó, cần tập trung ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quản lý công trình giao thông, trước mắt là ứng dụng thí điểm vào công trình cầu Cửa Đại (đã được Bộ Xây dựng chấp thuận).

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.