Chính trị

Tập trung tháo gỡ khó khăn,thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

21/10/2016, 08:36

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%);

6

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 - Ảnh: TTXVN

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%); Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%) được Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận là thách thức lớn nhất trong năm kế hoạch 2016 và cả năm 2017.

Dự báo tăng trưởng thấp hơn kế hoạch

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng qua (20/10), thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.

Đánh giá chung tình hình kinh tế năm 2016, Thủ tướng cho biết, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn so với dự báo; Giá nhiều hàng hóa cơ bản và giá dầu thô ở mức thấp. Tình hình biển Đông phức tạp. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo. Thiên tai, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ và sự cố ô nhiễm môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội nước ta, nhất là sản xuất và đời sống của người dân.

Những kết quả đạt được Thủ tướng nhấn mạnh là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu; Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém như tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). ”Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, mức tăng GDP trong năm 2017 được Chính phủ đặt chỉ tiêu 6,7 %.

Xử lý triệt để các vấn đề KT-XH bức xúc

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Về nhiệm vụ, giải pháp, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai. Loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, rà soát cắt giảm thực sự các chi phí không hợp lý do quy định và thực thi pháp luật gây ra cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, mọi phương án khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế ở vùng ven biển đều phải được cân nhắc trên cơ sở luận cứ khoa học; Tăng cường giám sát xả thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp; Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất là các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép; Xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm môi trường. Chính phủ cần ban hành Nghị quyết để xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến Formosa, ổn định đời sống, bảo đảm kinh tế - xã hội của bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng.

Quốc hội chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 2 diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra, Quốc hội chia sẻ những khó khăn mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào vùng bị nạn. “Quốc hội tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống”, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi.

9 tháng, thoái vốn 2.800 tỷ

Về chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN, báo cáo của Chính phủ cho biết, đã cho chủ trương thoái vốn của Sabeco, Habeco; Bán vốn tại 10 DN do SCIC quản lý (trong đó có Vinamilk); Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước khi cổ phần hóa đối với doanh nghiệp có vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên; Tính giá quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp và bảo đảm công khai, minh bạch, đấu giá và niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Trong 9 tháng, đã thoái vốn 2.800 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 5.000 tỷ đồng; Cổ phần hóa 48 DN, giải thể 10 DN, một DN phá sản, bán một DNNN và ba đơn vị sự nghiệp công lập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.