Thế giới giao thông

Tàu nhanh Trung Quốc cạnh tranh sòng phẳng máy bay

10/01/2016, 06:30

Đường sắt cao tốc Trung Quốc có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và trở thành đối thủ của ngành Hàng không.

cao toc trung quoc
Bên trong một đoàn tàu cao tốc tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải.

Câu chuyện của nhà báo Jin Kai trên The Diplomat về những trải nghiệm tại hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới.

Thức dậy một nơi,ăn tối một nơi

Vài ngày trước, tôi có mặt ở Thượng Hải để dự một hội thảo khoa học về quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc. Sáng hôm sau, tôi có hẹn gặp một giáo sư tại Nam Kinh - thủ phủ của tỉnh Giang Tô, cách Thượng Hải gần 300km về phía Tây, nhưng lại phải trở về Thượng Hải ngay trong ngày.

Giống như nhiều người dân Trung Quốc, tôi chọn cách di chuyển bằng CRH (China Railway High-speed - Đường sắt cao tốc). Chỉ mất gần 1 giờ đồng hồ, tôi đã có mặt ở Nam Kinh. Tôi thậm chí còn có thời gian ngủ một giấc ngắn, xem một đoạn phim tài liệu và làm việc trong 2 tiếng chờ dự tiệc tối ở Thượng Hải.

Cuộc di chuyển thú vị này gợi cho tôi những ký ức về thời sinh viên. Khoảng 10 năm trước, đi xe lửa từ Thượng Hải đến Nam Kinh mất hơn 4 giờ đồng hồ. Hồi đầu những năm 2000, tôi cũng không thể di chuyển trong ngày giữa 2 thành phố lớn chứ đừng nói thức dậy ở một nơi và ăn tối ở một nơi.

20 năm trước, tôi phải mất gần nửa ngày nếu muốn di chuyển từ thành phố nơi tôi làm nghiên cứu sinh để tới Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc. Bây giờ, chỉ mất khoảng chưa đầy 3 giờ đồng hồ cho quãng đường đó.

Hồi ấy, như tôi vẫn thuộc dạng may mắn. Một người bạn đồng môn của tôi còn phải đứng chen chúc trên “Xe lửa xanh” (Gọi như vậy không phải con tàu này thân thiện với môi trường, mà chỉ đơn giản là nó được sơn màu xanh lá cây) gần 4 ngày trời trước khi cậu ấy có thể bắt xe buýt để trở về nhà ở miền Tây Bắc Trung Quốc.

30 năm trước, đi lại bằng xe lửa đã trở thành lựa chọn duy nhất và phổ biến ở Trung Quốc cho những chuyến đi dài. Chẳng hạn như những người đi tìm kiếm việc làm ở các vùng trung tâm hay phía Tây, các vùng bờ biển phía Đông. Thậm chí, tàu hỏa là một phương tiện được ưa thích hay xa xỉ đối với những người dân sống ở vùng nông thôn, miền núi xa xôi. Đối với họ, được di chuyển bằng xe lửa là điều hiếm thấy trong cuộc đời.

Việc “ăn ngủ” trên tàu hỏa dài ngày để di chuyển giữa các thành phố lớn là điều hết sức bình thường thời điểm đó.

Những “điểm cộng” so với hàng không

Năm 2012, Trung Quốc vượt Nga thành nước có hệ thống đường sắt điện khí hóa dài nhất thế giới. Đến cuối 2015, nước này có mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất và phức tạp nhất thế giới, tổng chiều dài đạt 19.000km.

Trên thực tế, dù thị trường hàng không dân dụng đang phát triển với tốc độ “chóng mặt”, song đường sắt với những dịch vụ tiện nghi vẫn đóng một vai trò quan trọng trong ngành vận tải. Trên tàu có các dịch vụ giải trí, quầy thực phẩm, wifi, dịch vụ hướng dẫn khách, sắp xếp chỗ ngồi linh hoạt và tiện nghi…

Như tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318km, với tốc độ 300km/h chỉ còn chưa đầy 5 giờ đồng hồ. Giá vé ghế ở khoang hạng thương gia (có thể ngắm cảnh) là 1.748 NDT (269 USD), ghế hạng nhất là 933 NDT (143 USD) và ghế hạng hai là 553 NDT (85 USD). Trong khi đó, giá vé máy bay rẻ nhất từ Bắc Kinh đi Thượng Hải (1 chiều) khoảng hơn 202 USD, quãng đường bay là 1.084km và thời gian bay khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, chưa kể tới các yếu tố chậm chuyến, không được sử dụng wifi và các dịch vụ mặt đất như CRH.

Tờ Los Angeles Times dẫn lời Martin Wachs - một giáo sư trong ngành Quy hoạch đô thị: “Tôi từng có dịp đi xe lửa cao tốc ở Hồ Nam, vô cùng sạch sẽ, không một tì vết với tốc độ 300km/h. Đó là một chuyến đi suôn sẻ và thoải mái về thời gian, dù thời điểm đó nằm trong “Tuần lễ Vàng” của Trung Quốc (tuần lễ mà ngành Du lịch Trung Quốc bận rộn nhất trong năm). Mọi thứ đều trơn tru và không hề bị chậm chuyến. Nếu người Mỹ cũng có một chuyến tàu như vậy, họ hẳn sẽ lũ lượt sử dụng dịch vụ này. Chưa kể trên tàu còn có wifi để làm việc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.