Vận tải

Tàu thuyền “tai bay, vạ gió” vì… chẳng biết đâu là luồng

06/08/2020, 10:00

Nhiều tuyến đường thủy quốc gia chưa có dấu mốc xác định vị trí hành lang bảo vệ luồng, gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại.

img
Việc chậm trễ cắm mốc hàng lang bảo vệ luồng đường thủy dẫn đến tình trạng đổ đất đá lấn chiếm dòng chảy, thu hẹp hàng lang luồng và luồng đường thủy (Ảnh chụp tuyến sông Lô)

Vi phạm phổ biến, khó xác định hành lang luồng

Cách đây hơn nửa tháng, nhiều người dân ven sông Cầu đoạn qua xã Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và phường Vạn An (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) hốt hoảng khi chứng kiến một chiếc tàu to đang đi dọc tuyến bất ngờ đâm chìm một nhà nổi neo đậu ven sông, may mắn không ai thiệt mạng.

Thuyền viên một số tàu thường xuyên đi qua đoạn sông này cho hay, rất dễ “tai bay, vạ gió” vì nhà nổi neo đậu kín hai bên sông, có chỗ chẳng biết đâu là luồng, hành lang luồng. “Ngày trước tàu thuyền nhỏ, ít nên đi qua đây bình thường, còn bây giờ các phương tiện đông, trọng tải lớn nên khi lưu thông qua đây rất nguy hiểm, nhất là khi tránh tàu ngược chiều. Tàu to mà càng đi chậm thì càng khó “ăn lái”, đi nhanh lại sợ va quệt, sóng đánh vào nhà nổi, bị bắt đền”, thuyền viên tên Vinh, tàu BN-2362 cho biết.

Một số thuyền viên cho biết, không ít lần khi tàu đi qua bị người trên nhà nổi ném gạch đá, chửi bới vì cho rằng tàu tạo sóng mạnh, nguy hiểm.

Ông Nguyễn Quang Quý, Đội phó Đội Thanh tra an toàn số 2 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho biết, nhiều năm nay, khu vực trên luôn là “điểm nóng” về vi phạm hành lang bảo vệ luồng, mất ATGT đường thủy.

“Các nhà nổi, tàu thuyền của dân neo đậu dọc khoảng 1km hai bên bờ sông, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, gây cản trở và nguy cơ cao xảy ra TNGT đường thủy. Tuy vậy, hầu như không xử phạt được vì hầu hết phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Để giải quyết dứt điểm cần phải di chuyển các nhà nổi đến nơi khác, song việc này phụ thuộc vào chính quyền địa phương”, ông Quý cho biết.

Trong khi đó, thông tin từ đại diện thôn Nguyệt Đức (xã Vân Hà, tỉnh Bắc Giang) cho biết, khu dân cư nhà nổi được hình thành từ nhiều năm trước, đến nay có hơn 180 hộ, làm nghề vận tải thủy, đánh bắt thủy sản với khoảng 100 phương tiện thủy, nhà nổi. Do dân số ngày càng tăng, nhà nổi lan ra cả phía bờ Bắc Ninh và kéo dài ra ở hai phía bờ sông 2 - 3km.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, ngoài “điểm nóng” trên, một số đoạn tuyến khác cũng phức tạp về vi phạm hành lang bảo vệ luồng bởi các máng, cần rót vật liệu xây dựng hoặc bè cá, như sông Phi Liệt, Hàn, Đáy, Luộc… đều không có mốc dấu hành lang bảo vệ luồng.

Lãnh đạo một số đội thanh tra - an toàn thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, khi kiểm tra, xử lý vi phạm phải mang máy, thiết bị định vị GPS để xác định hành lang luồng.

“Có trường hợp bến thủy đổ đất đá xuống sông phải dùng máy định vị mới xác định được vi phạm về xâm phạm hành lang bảo vệ luồng”, đại diện một đơn vị thanh tra đường thủy cho biết. Cũng vì vậy, các phương tiện khi lưu thông trên tuyến, nhất là tại các vị trí không có phao, báo hiệu, không thể biết đâu là phạm vi hành lang luồng, nhà nổi, bè cá tự phát có lấn vào hay không để báo lực lượng chức năng xử lý.

Cách đây không lâu, một số đơn vị vận tải thủy tại Ninh Bình như Đức Phúc, Dương Giang… cũng phản ánh, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng nhà bè nuôi cá gây ảnh hưởng giao thông thủy trên một số tuyến sông như: Văn Úc, Luộc, Lạch Tray.

Ai chịu trách nhiệm?

img
Tình trạng xâm lấn, thu hẹp dòng chảy và luồng đường thủy trên tuyến sông Công

Không chỉ các tuyến sông, việc xác định hành lang bảo vệ luồng để đảm bảo ATGT cho phương tiện đi lại trên các tuyến đường thủy ven biển khá khó khăn do hệ thống phao được bố trí thưa thớt, khó định vị được giới hạn luồng và công trình bè, nhà nổi có nằm trong hành lang luồng hay không.

Theo UBND huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), trên một số luồng đường thủy qua địa bàn huyện có nhiều nhà nổi, bè nuôi trồng thủy, hải sản tiếp giáp với luồng chạy tàu, song xử lý khó khăn do không xác định được ranh giới, hành lang luồng.

Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cũng xác nhận thực tế trên, đồng thời cho biết đã đề nghị Cục Đường thủy nội địa VN cho lắp đặt thêm phao trên 4 tuyến đường thủy ven biển, với chiều dài hơn 150km để giải quyết vấn đề trên.

Còn tại khu vực phía Nam, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, khi triển khai dự án cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường thủy thuộc khu vực Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên, việc bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn và chi phí lớn do nhiều công trình nhà dân nằm trong hành lang bảo vệ luồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, bất cập hiện nay là hầu hết các tuyến đường thủy quốc gia chưa được đánh dấu mốc bảo vệ hành lang luồng đường thủy, gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy và đảm bảo ATGT cho phương tiện lưu thông.

Nguyên nhân do khó khăn kinh phí nên nhiều tuyến chưa đảm bảo khoảng cách phao, báo hiệu đường thủy theo quy chuẩn, cũng như các địa phương chưa triển khai.

“Theo quy định của Luật GTĐT nội địa, trách nhiệm cắm mốc, ranh giới bảo vệ hành lang luồng đường thủy do UBND cấp tỉnh thực hiện. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh triển khai trên một số tuyến đi qua khu vực đô thị, còn hầu hết các địa phương chưa có báo cáo. Tới đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tổng kết Luật Giao thông đường thủy và đề xuất giải pháp quản lý hành lang bảo vệ luồng cho phù hợp với thực tiễn”, ông Toàn nói.

Toàn quốc có hơn 7.100km đường thủy quốc gia, với 207 tuyến sông, kênh và 19.525km đường thủy địa phương thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy được xác định từ mép luồng trở ra mỗi phía. Theo quy định hiện hành, hành lang bảo vệ luồng trên hồ, vịnh, ven bờ biển và luồng cấp đặc biệt là 20 - 25m; luồng cấp I, II là 15 - 20m; cấp III, IV từ 10 - 15m; cấp V, VI là 10m.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.