Vì sao taxi truyền thống dán băng rôn?
Chiều nay (16/9), hàng loạt xe taxi của các hãng taxi truyền thống như: Mai Linh, Vic taxi, Thanh Nga… ở Hà Nội đồng loạt dán khẩu hiệu ở đuôi xe với nội dung: "Hộp đèn nhận diện xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ: Công bằng, minh bạch - Tại sao không?". Các xe dán khẩu hiệu sau đó lưu thông trên các tuyến phố và có các hoạt động đón, trả khách bình thường.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Công, tài xế Vic taxi nói: "Thời gian qua, số cuốc xe của chúng tôi giảm rất nhiều khi một lượng lớn khách hàng chuyển từ đi taxi sang xe hợp đồng điện tử. Chúng tôi dán băng rôn vào đuôi xe biểu thị ý kiến, mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp hợp lý, quy định xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn để đảm bảo công bằng với taxi truyền thống”.
Trong khi đó, tài xế Nguyễn Viết Ngọc, hãng taxi Trôi Phùng bày tỏ, xe hợp đồng điện tử có nhiều lợi thế hơn taxi truyền thống như: không bị khống chế số xe, không mất đàm phí, đón trả khách tự do… còn taxi truyền thống phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí. Điều này khiến thu nhập của tài xế taxi truyền thông giảm mạnh.
“Lái xe taxi truyền thống phải chịu nhiều khoản chi phí như: phí bảo hiểm, đồng phục, tiền công đoàn, trong khi đó lượng khách hàng giảm đáng kể, việc này khiến chúng tôi rất nản”, anh Ngọc than.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Tuấn Anh, Giám đốc Taxi Thành Lợi cho biết, từ khi xuất hiện taxi công nghệ, đời sống của lái xe rất khó khăn, thu nhập giảm sút. “Chúng tôi dán băng rôn mục đích mong muốn cơ quan chức năng có nhận diện rõ bằng quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải gắn hộp đèn để đảm bảo xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ có điều kiện kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh”, ông Tuấn Anh nói.
Ở khía cạnh pháp lý, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, khẩu hiệu các hãng taxi truyền thống dán chỉ chứa đựng nội dung mang tính bảy tỏ quan điểm khoa học về một chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng taxi truyền thống. Khẩu hiệu này không chứa đựng từ ngữ nào xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân, tổ chức khác. Do đó, về mặt nội dung, khẩu hiệu này hoàn toàn hợp pháp.
Công bằng trong kinh doanh vận tải
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Singapore, Thái Lan… đều quy định xe hợp đồng điện tử như Uber phải gắn hộp đèn. Dự thảo Nghị định Bộ GTVT đang soạn thảo từ lần thứ 6 đã tiếp thu ý kiến rộng rãi và quy định xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn để quản lý. Bản chất xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ hoạt động như xe taxi, vì vậy nên quản lý đó là một loại hình taxi.
Theo ông Hùng, khi xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn sẽ giúp người dân nhận diện dễ hơn, trường hợp muốn khiếu nại sẽ biết được xe đó thuộc hãng nào quản lý. Người dân cũng sẽ được hưởng lợi khi xe hợp đồng điện tử chịu quản lý bằng cơ chế giá, giá cước phải kê khai, đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước, không phải tùy tiện tăng giá vào giờ cao điểm. Xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn sẽ giúp cơ quan quản lý, lực lượng chức năng kiểm soát được số lượng phương tiện, xử lý vi phạm trên đường.
"Các doanh nghiệp dán khẩu hiệu với mong muốn cơ quan quản lý có cơ chế quản lý bình đẳng đối với xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ. Chúng tôi đồng tình với quan điểm dùng công nghệ để quản công nghệ nhưng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, hệ thống camera chưa đầy đủ, chưa có trung tâm kiểm soát dữ liệu sẽ khó quản lý. Vì vậy, đối với xe hợp đồng điện tử, phương án gắn hộp đèn là nhu cầu ưu tiên quản lý trước mắt, về lâu dài tất cả xe kinh doanh vận tải phải có màu biển số riêng", ông Hùng nói.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về quy định phải có hộp đèn với chữ "Taxi" gắn cố định trên nóc xe.
Bộ GTVT cho rằng, đối với nội dung quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô qua 11 lần Bộ GTVT đã trình đều có nội dung quy định xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe và quy định rõ thêm về kích thước tối thiểu đảm bảo nhận diện được tốt hơn. Theo nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo Nghị định thì xe taxi phải có hộp đèn với chữ "Taxi" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12 x 30 cm.
"Đây là quy định chung cho tất cả các xe taxi, bao gồm: xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền (gọi tắt là taxi truyền thống) và xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (gọi tắt là taxi công nghệ)", nội dung công văn của Bộ GTVT nhấn mạnh.
Công văn của Bộ GTVT cũng giải thích, khi đơn vị vận tải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, dù là sử dụng phương pháp tính tiền theo phương pháp truyền thống (tính tiền bằng đồng hồ) hay phương pháp mới (tính tiền bằng phần mềm) đều phải chịu điều kiện kinh doanh chung như nhau để đảm bảo sự công bằng.
Bộ GTVT cho rằng, nội dung trên là quy định đã và đang được thực hiện từ nhiều năm nay, cho đến hiện tại vẫn đang ổn định. Ngoài ra các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi trong quá trình tham gia góp ý đều cho rằng đây là quy định rất cần thiết để đảm bảo nhận dạng, chống xe hoạt động tàng hình, hoạt động chạy dù, đồng thời góp phần cho công tác tổ chức giao thông đô thị, phục vụ công tác tuần tra kiểm soát được tốt hơn.
"Nội dung quy định này kế thừa được những quy định đang thực hiện từ Nghị định số 86/2014 và bổ sung nội dung quy định cho cái mới phát sinh (ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải taxi) từ đó tạo ra khung pháp lý chung phù hợp với thực tiễn để doanh nghiệp vận tải tự lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh phù hợp với đơn vị mình", Bộ GTVT cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận