Ngày 5/12, UBND thành phố Cần Thơ vừa có tờ trình HĐND về việc đặt tên một số tuyến đường ở thành phố.
Trong số 7 tuyến đường được đề nghị đặt tên có ba tuyến ở quận Ninh Kiều, hai tuyến ở quận Thốt Nốt, một tuyến ở quận Cái Răng và một tuyến ở huyện Phong Điền.
Cụ thể, tên Phạm Sơn Khai được trình để đặt cho tuyến đường chính trong khu nhà ở cán bộ giáo viên đại học Cần Thơ. Giới hạn tuyến đường này từ điểm giao nhau với đường Nguyễn Văn Linh đến bờ hồ Búng Xáng, dài khoảng 1km.
Theo UBND thành phố, ông Phạm Sơn Khai là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Cần Thơ sau năm 1975. Trong các nhiệm kỳ đảm đương nhiệm vụ, ông Khai đã tập hợp và đẩy mạnh tình đoàn kết với các lực lượng tri thức, cùng đóng góp phát triển nhà trường, xã hội.
Ông Khai có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giáo dục ở Cần Thơ và cả khu vực. Việc đặt tên ông cho trục đường chính của khu nhà ở cán bộ giáo viên Đại học Cần Thơ là phù hợp, nhằm tưởng nhớ, ghi nhận công lao của ông.
Vẫn ở quận Ninh Kiều, tiếp tục đặt tên Trần Hoàng Na cho đoạn tiếp nối đường Trần Hoàng Na hiện hữu, từ đường 30/4 đến đường Nguyễn Văn Cừ, dài 2,3km.
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, giới hạn từ cầu Cái Khế đến cầu Nhị Kiều, thuộc phường Thới Bình (đặt tiếp nối thêm 710m cộng với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện hữu).
Ở quận Cái Răng, đặt tên Nguyễn Hùng Minh cho tuyến đường B26, giới hạn từ đường A12 đến A15, khu dân cư Hưng Phú.
Ông Nguyễn Hùng Minh là danh nhân địa phương, quê quán huyện Châu Thành (cũ) nay là quận Cái Răng.
Ông có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, có sự kiện ngày 23/9/1945 ông Minh trực tiếp lái ca nô đưa Bác Tôn, Phạm Hùng và một số cán bộ cao cấp của Đảng từ nhà tù Côn Đảo về đất liền.
Ở quận Thốt Nốt, đường Huỳnh Năng Nhiêu được đặt cho đường đang được tạm gọi là đường Trường tiểu học Thốt Nốt 1 và đường nối Gentraco. Đường được giới hạn từ quốc lộ 91 đến cổng Trường tiểu học Thốt Nốt 1 và đường nối đường Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Thái Học.
Ông Huỳnh Năng Nhiêu, tức nghệ sĩ Bảy Nhiêu là một nghệ sĩ đa tài, kép hát lừng danh, là ông bầu, thầy tuồng và là một nhà báo sân khấu lừng lẫy. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đem cải lương ra nước ngoài.
Người dân ở quận Thốt Nốt đã nhiều lần có ý kiến lấy tên ông đặt tên cho tuyến đường trên.
Cũng ở quận Thốt Nốt, đường giới hạn từ quốc lộ 91 đến cầu 2/9 phường Thốt Nốt sẽ được chính thức đặt tên Thanh Niên, đây cũng là tên gọi tạm mà người dân nơi đây quen gọi trước nay.
Đặt tên đường Tây Đô, giới hạn từ lộ Vòng Cung (cầu Tây Đô) đến đường Nguyễn Văn Cừ ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền thay cho tên gọi tạm là đường số 2.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, việc đặt tên đường để dễ dàng quản lý đường bộ, đô thị, hành chính. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, thực hiện các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận