Nhân viên đường sắt đón hành khách lên tàu - Ảnh: Ngô Vinh |
Trời lại trở rét. Mấy anh em tổ tàu miền Nam lên ban, tất bật ai vào việc nấy chuẩn bị sẵn sàng đón khách, còn dư thời gian “tám” vài câu tếu táo. Gió hun hút thổi giữa hai đoàn tàu trên sân ga. Co ro trong bộ áo đồng phục, một nhân viên trẻ vừa nhảy nhảy cho ấm vừa nói: “Nhanh thiệt, sắp Tết rồi!”. “Năm nay lại không được về quê ăn Tết với bu hả?”, một nhân viên bảo vệ nhà ga hỏi. “Dạ, con phải đi tàu Tết rồi chú ơi. Mà quê con trên tận Phú Thọ, không tranh thủ về trước Tết được”. Một nhân viên đi tàu khác xen vào: “Bây kêu chi, mấy chục năm đi tàu có mấy khi tau được ăn Tết ở nhà với vợ con đâu.”
“Ừa, Tết nhất người ta sum họp gia đình, cúng ông bà Tổ tiên. Còn nhân viên tụi tui lại đi phục vụ người dân, đưa bà con về ăn Tết. Xong rồi, mình mới về ăn Tết muộn nhưng cũng chỉ được một, hai bữa là lại lên tàu đưa bà con trở lại đi làm”, một trưởng tàu chia sẻ.
Khách thì đông, đồ đạc, hành lý lỉnh kỉnh, chật trên giá, chật cả lối đi. Rồi khách lên, khách xuống, đông đúc, hối hả, liên tục suốt hành trình hàng chục tiếng. Nhưng vẫn phải đảm bảo vệ sinh toa xe sạch sẽ; vẫn phải mềm mỏng, phục vụ hành khách. Một nhân viên toa xe phục vụ sao xuể, chưa kể những toa còn thêm ghế phụ hay chuyển đổi giường nằm tầng 1 thành 3 ghế ngồi. “Vậy mà hành khách đâu có thông cảm, bất tiện một chút là họ kêu rồi gọi điện báo lãnh đạo”, một nhân viên trẻ bức xúc.
“Nghề phục vụ là vậy đó. Làm sao mà vừa lòng tất cả được. Mình cứ làm hết trách nhiệm, phục vụ chu đáo, nhiệt tình là tốt rồi. Còn Tết, thôi thì ăn Tết muộn với gia đình nhưng ăn Tết sớm với anh em. Đơn vị cũng ứng trước lương Tết để sắm sửa, lo cho gia đình rồi. Đi làm Tết cũng được lãnh đạo ra tận tàu chúc Tết sớm, tặng quà. Quan trọng là bà con được về quê ăn Tết với gia đình an toàn, suôn sẻ. Có vậy, mình cũng thấy vui, hạnh phúc”, người trưởng tàu tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận