Lao động người nước ngoài làm việc tại một công trường xây dựng ở Tokyo |
Là nước phát triển hàng đầu trên thế giới, song Nhật Bản lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, do người dân không muốn làm các công việc giản đơn, nguy hiểm. Với việc Quốc hội nước này mới thông qua dự luật nới lỏng các quy định thu hút lao động nước ngoài, vấn đề thiếu hụt lao động trước mắt sẽ được giải quyết, nhưng về lâu dài cũng là thách thức cho quốc gia này.
“Khát” nhân lực
Ngày 8/12, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua luật cho phép nước này tiếp nhận nhiều nhân công nước ngoài hơn. Đây từng được đánh giá là một động thái cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đồng thời là một bước ngoặt lớn trong chính sách của Tokyo, vốn vẫn luôn thắt chặt vấn đề nhập cư.
Luật mới cho phép các công nhân nước ngoài có kỹ năng, trình độ trong các lĩnh vực thiếu lao động ở Nhật được cấp thị thực 5 năm, không được phép mang theo gia đình.
Lao động trong những lĩnh vực trên khi có bằng cấp cao và vượt qua được bài kiểm tra tiếng Nhật cấp độ khó, có thể sẽ được cấp thị thực vô thời hạn, tức có khả năng được định cư và đưa gia đình tới sống cùng.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất được báo Japan Times đăng tải hôm 12/12, luật mới được thông qua không nêu rõ sẽ bổ sung bao nhiêu lao động nước ngoài ở các ngành nghề cụ thể, người lao động cần kỹ năng ra sao hay các yêu cầu khác về điều kiện cấp thị thực.
Đây là một trong những lý do khiến các đảng đối lập tại Nhật Bản vẫn đang tiếp tục xoáy sâu vào để phản đối. Họ cho rằng, Quốc hội Nhật Bản cần phải có nhiều thời gian hơn để soạn thảo luật này trước khi chính thức ban hành, hiệu lực hóa trong thời gian tới.
Trong khi đó, hôm 11/12, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh, họ sẽ không để mất thêm thời gian để giải quyết việc thiếu nguồn nhân lực, khi mà quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hoá dân số.
Dự kiến, Tokyo sẽ tiếp nhận số lao động nước ngoài lên tới 345.000 người, thuộc các ngành như xây dựng, dịch vụ thực phẩm, điều dưỡng và một số lĩnh vực khác trong thời gian kéo dài 5 năm. “Chúng tôi đặt mục tiêu bắt đầu vào tháng 4/2019 vì cần nhanh chóng khởi động hệ thống mới, nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động (do già hóa dân số) hiện nay”, ông Abe cho biết.
Trên thực tế, nền kinh tế của quốc đảo này phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn nhân công đến từ các quốc gia trong khu vực như: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Trung Quốc… Hiện có rất nhiều sinh viên nước ngoài đang tham gia chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật ở Nhật Bản nhưng họ có những mục đích khác, chứ không đơn thuần là tìm kiếm việc làm.
Còn nhiều vấn đề tồn tại
Các cuộc thảo luận về việc sửa đổi luật cho lao động nhập cư vào Nhật Bản dễ hơn đã đưa ra nhiều vấn đề nổi cộm như: bóc lột, lạm dụng người lao động, không trả đủ lương, an ninh trật tự...
Trước khi bộ luật mới được thông qua, thực tế là Nhật đã triển khai một chương trình có tên “Đào tạo thực tập kỹ thuật” từ năm 1993. Chương trình này cho phép những người có tay nghề thấp được đến Nhật Bản làm việc, bởi hiện nay, Tokyo chỉ cấp thị thực lao động cho những công nhân tay nghề cao.
Năm 2017, số thực tập viên kỹ thuật đã tăng lên đến 258 nghìn người, tăng mạnh so với con số 134 nghìn người vào năm 2012. Tuy nhiên, đã có hàng ngàn người phải bỏ việc mỗi năm, do điều kiện làm việc quá khắc nghiệt.
Theo số liệu mà Bộ Tư pháp đưa ra, có đến 70% số thực tập viên kỹ thuật bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu được quy định. Trong thời gian từ năm 2014 - 2017, tổng cộng 69 học viên đã tử vong, nguyên nhân là do tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc tự tử.
Với luật mới được thông qua, Nhật Bản khẳng định sẽ đảm bảo cho người lao động nước ngoài có các quyền và điều kiện làm việc như nhân công bản địa.
Nhưng, các nhà phản biện tại quốc gia này cho rằng, để thực hiện thành công việc thu hút nguồn lao động bên ngoài, chính quyền Tokyo đương nhiệm sẽ phải đối mặt với một thách thức rất lớn trong việc thúc đẩy các chương trình an sinh xã hội, dạy tiếng bản địa cũng như đưa ra các hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày của công nhân nước ngoài.
Ngoài ra, sự tăng trưởng đột biến số người lao động nước ngoài ở Nhật Bản sẽ gây sức ép lên các dịch vụ phúc lợi, thậm chí có thể xuất hiện tỷ lệ tội phạm tăng cao hơn. Đây cũng là một trong những thách thức mà đất nước mặt trời mọc lo sợ nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận