Bất động sản

Thách thức trước thực trạng giải ngân đầu tư công thấp

07/09/2023, 10:27

Đã tháng cuối cùng của quý III/2023, nhưng nhiều bộ ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, đẩy áp lực vào 3 tháng cuối năm.

Bộ Xây dựng giải ngân đầu tư công 16%

Năm 2023, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý vốn đầu tư công nguồn Ngân sách nhà nước là 662,47 tỷ đồng.

Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 470,94 tỷ đồng; kế hoạch đầu tư công năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 191,51 tỷ đồng.

Thách thức trước thực trạng giải ngân đầu tư công thấp - Ảnh 1.

Nhiều thách thức trước tình trạng giải ngân đầu tư công thấp (ảnh minh họa).

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch đầu tư vừa đây, Bộ Xây dựng cho biết, đến ngày 20/8, Bộ Xây dựng giải ngân được 111,9 tỷ đồng, đạt 16.9% kế hoạch.

Trước đó, Bộ Tài chính thông tin, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2023 đạt trên 267.625 tỷ đồng, bằng 37,85% kế hoạch năm.

Trong báo cáo tháng 6, Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân chưa cao:

Một số dự án chuyển tiếp đang thi công xây dựng phần thô nên giá trị khối lượng thực hiện không cao, dẫn đến số vốn giải ngân thấp;

Một số chủ đầu tư chưa thực sự sâu sát trong tổ chức triển khai dẫn đến công tác chuẩn bị dự án hoặc thực hiện dự án chậm, không bảo đảm tiến độ theo kế hoạch...

Bộ Xây dựng đã có Chỉ thị 03, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

12 bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%.

Có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.

Ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 7-2023 của TP Hà Nội là 17.002 tỷ đồng, đạt 36,2% kế hoạch. Kết quả này của TP Hà Nội cao hơn cùng kỳ năm trước và đang cao hơn mức trung bình của cả nước.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Quảng Ninh, ước tính đến hết tháng 7, địa phương này giải ngân được gần 4.300 tỷ đồng, đạt 31% so với kế hoạch giao đầu năm, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (35%).

Chậm giải ngân đầu tư công sẽ thay thế cán bộ yếu kém, trì trệ

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Công điện nêu rõ trong 7 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công ước đạt 37,85% kế hoạch được giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). 

Tuy vậy, còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chỉ thị về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân đầu tư công...

Đẩy nhanh việc phân bổ vốn đầu tư công, vốn cho các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa... gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.