Xã hội

Thái Bình: Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ do cột điện

09/03/2024, 06:15

Gần chục dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn huyện Thái Thụy có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ yếu là việc di dời hạ tầng lưới điện.

Thi công kiểu "xôi đỗ" vì thiếu mặt bằng

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy, hiện đơn vị đang phụ trách triển khai 10 dự án giao thông trên địa bàn.

Ngoài phần diện tích mặt bằng đất ở chưa được bàn giao, một trong những nguyên nhân chính cản trở công tác GPMB của các dự án là hạ tầng lưới điện chưa được di dời.

Thái Bình: Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ do cột điện- Ảnh 1.

Cột điện nằm dưới lòng đường nên nhiều vị trí không thi công được nền đường, rãnh thoát nước.

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại một số tuyến đường đang thi công trên địa bàn huyện Thái Thụy như: Đường ĐH.93B vào UBND xã Thuần Thành; Đường ĐH.95B xã Thụy Phúc - Thụy Hưng; Đường ĐH.93 xã Thụy Trình - Hồng Dũng; Đường ĐH.90 xã Thụy Việt - Thụy Hưng; Đường ĐH.95 xã Thụy Phong - Thụy Ninh; Đường ĐH.96 Dương Phúc đi Thụy Duyên (giai đoạn 1); Đường ĐH.87 từ ngã ba chợ Phố đến ngã tư Cầu Cau… đều có thực trạng chung là vướng hệ thống cột đường điện lưới.

Đơn cử, tuyến đường ĐH.93 xã Thụy Trình - Hồng Dũng có chiều dài 2,2km, hiện nhà thầu đã hoàn thiện trải nhựa mặt đường khoảng 1km, xây dựng hộp cống rãnh thoát nước. Tháng 9-10/2023, điện lực đã di chuyển 300m cáp ngầm, nhà thầu dự án bỏ kinh phí mua 5 cột mới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 20 cột điện hạ thế chưa di dời.

Tương tự, tuyến đường ĐH.95B giai đoạn 2 từ Thụy Phúc đi Thụy Hưng có chiều dài 2,4km, hiện chưa đặt được rãnh thoát nước vì hạ tầng lưới điện chưa di dời. Toàn tuyến cần di chuyển 31 cột điện hạ thế, 3 cột điện cao thế nhưng đến nay việc di dời cột điện vẫn đang rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Người dân sống quanh khu vực cho biết, do vướng mắc về GPMB nên việc thi công mặt đường bị dang dở, khi trời mưa nước đọng lại thành vũng lớn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Chủ đầu tư đã đề nghị đơn vị thi công khắc phục tình trạng trên bằng cách rải đá dăm và san gạt tạm thời để người dân đi lại.

Ông Nguyễn Viết Tân, Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Phan Quỳnh (đơn vị thi công dự án) cho biết: Hầu hết các cột điện này nằm vào phạm vi lòng đường, rãnh thoát nước nên nhiều vị trí phải bỏ lại không thi công được nền đường, rãnh thoát nước.

"Đơn vị thi công đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương và ngành điện tháo gỡ, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn chậm dẫn đến việc thi công bị ngắt quãng, ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chất lượng công trình", ông Tân nói.

Di dời lưới điện không nằm trong kế hoạch của điện lực

Ông Bùi Thế Dân, Giám đốc BQLDA xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy cho biết, hiện đơn vị đang phụ trách triển khai 10 dự án giao thông, trong đó cần di chuyển 207 cột điện hạ thế, 11 cột trung thế, 2 trạm biến áp và 300m cáp ngầm.

Tuy nhiên, đến nay việc di dời hạ tầng lưới điện tại hầu hết các dự án vẫn "dậm chân tại chỗ", kéo theo nguy cơ chậm tiến độ.

Thái Bình: Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ do cột điện- Ảnh 2.

Dự án đường ĐH.93 qua xã Thụy Trình - Hồng Dũng phải ngừng thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình triển khai thi công các dự án, do vướng mặt bằng lưới điện nên đơn vị thi công đành phải khắc phục, thi công theo kiểu "xôi đỗ" làm nền đường, đặt rãnh nước tại các vị trí có mặt bằng, còn lại để chờ.

Ngoài ra, nhiều đoạn tuyến đã thi công xong hạng mục rải thảm, láng nhựa mặt đường nhưng nhiều cột điện vẫn nằm giữa đường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình cũng như bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, BQLDA đã đề nghị nhà thầu thi công hỗ trợ kinh phí để di dời hạ tầng lưới điện tại một số vị trí.

Theo đó, riêng trong năm 2023 các nhà thầu đã tự bỏ kinh phí khoảng 127 triệu đồng để di chuyển 54 cột điện hạ thế trên các tuyến; còn lại hơn 150 cột vẫn chưa được xử lý.

"Việc chậm di dời các cột điện ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng công trình cũng như hiệu quả vốn đầu tư. Chính quyền địa phương, ngành chức năng và đặc biệt là ngành điện cần chủ động, tích cực hơn nữa để bảo đảm tiến độ di dời các cột điện còn vướng mắc", ông Dân đề xuất.

Một lãnh đạo Điện lực Thái Thụy cho biết: Thời gian qua, Điện lực Thái Thụy đã chủ động vào cuộc cùng với BQLDA và nhà thầu thi công để tháo gỡ khó khăn về di dời lưới điện.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành khảo sát và lập khái toán thì thấy số lượng đường dây, trạm biến áp cần phải dịch chuyển tại các dự án giao thông đang triển khai ở huyện là rất lớn và không nằm trong hạng mục đầu tư của Công ty Điện lực Thái Bình và Tổng công ty Điện lực miền Bắc, nên việc đơn vị bố trí nguồn vốn để thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.