Mới đây, Chanathip đã có cuộc trò chuyện với báo chí Thái Lan sau sự kiện anh gia nhập CLB Kawasaki Frontale với bản hợp đồng kỷ lục.
Chanathip khuyên các cầu thủ ở Đông Nam Á xuất ngoại thi đấu
Trong buổi nói chuyện, “Messi Thái” đã khuyên các cầu thủ của Đông Nam Á nên bước ra khỏi vùng an toàn để phát triển bản thân.
“Những cầu thủ xuất sắc nhất khu vực nếu muốn tiến xa hơn sau khi đã đạt được thành công ở giải quốc nội, họ nên thoát ra khỏi vùng an toàn và đến những nơi có trình độ cao hơn.
Điều này giúp cho bóng đá Đông Nam Á tiếp tục phát triển trong tương lai và nhanh chóng tiến lên đẳng cấp cao hơn”, Chanathip nói.
Đội trưởng tuyển Thái Lan khuyên các ngôi sao ở Đông Nam Á nên ra nước ngoài thử sức xuất phát từ chính câu chuyện của bản thân anh.
Từ một ngôi sao xuất thân ở “vùng trũng” của bóng đá thế giới, Chanathip đã dám thử thách bản thân khi chọn một giải đấu có sức cạnh tranh lớn bậc nhất châu Á như J-League 1 làm bến đỗ.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực và học hỏi không ngừng, anh đã có những bước tiến ấn tượng tại giải đấu cao nhất của Nhật Bản và việc gia nhập Kawasaki Frontale là một minh chứng rõ ràng cho việc này.
Trong khi đó, nhìn sang Việt Nam, nơi nền bóng đá luôn được so sánh với Thái Lan thì câu chuyện cầu thủ xuất ngoại lại hoàn toàn khác.
Trong những năm gần đây, Việt Nam có nhiều cái tên rất đáng chú ý ra nước ngoài thi đấu như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh và Văn Hậu...
Dù được đặt nhiều kỳ vọng trước mỗi chuyến “du học” các ngôi sao trên đều thi đấu không thành công và trở về nước trong sự tiếc nuối.
Thủ thành Đặng Văn Lâm là cầu thủ hiếm hoi chơi tốt khi sang Thái Lan khoác áo Muangthong United nhưng kể từ thời điểm chuyển tới Cerezo Osaka (Nhật Bản), anh cũng không thể cạnh tranh vị trí chính thức.
Nhìn sang Thái Lan, tiền vệ Chanathip ngày một chứng tỏ được đẳng cấp ở xứ mặt trời mọc. Anh có thể trở thành "ngọn hải đăng" để cầu thủ Thái Lan noi theo.
Bóng đá Việt Nam hẳn rất mong muốn có một "ngọn hải đăng" như thế nhưng khi nào nền tảng bóng đá trong nước còn hạn chế, rất khó để kịch bản này xảy ra.
Nói đến câu chuyện nền tảng, Việt Nam một lần nữa phải nhìn người Thái bằng ánh mắt thèm thuồng.
Thai League tiến lên chuyên nghiệp sau nhưng nhờ tiếp thu được những tinh hoa từ các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới đã nhanh chóng vươn mình trở thành giải đấu hàng đầu khu vực.
Chanathip không thể sang Nhật Bản chơi bóng nếu không có bệ phóng Thai League.
Vậy V-League đã thực sự đã trở thành bệ phóng cho cầu thủ Việt Nam hay chưa? Nhìn vào kết quả hẳn chúng ta đã tìm được câu trả lời.
Cũng nhờ Thai League, tuyển Thái Lan liên tục thi đấu thành công ở các giải đấu khu vực.
Xin đừng trách thầy trò HLV Park Hang-seo vì đã thua người Thái ở bán kết AFF Cup 2020 bởi điều này gần như là tất yếu.
Từ câu chuyện Chanathip và bóng đá Thái Lan, phải chăng đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần nỗ lực thay đổi để trong tương lai gần không phải ghen tị với người Thái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận