Thế giới giao thông

Thái Lan: Tài xế say xỉn phải làm việc công ích trong nhà xác

04/01/2018, 10:53

Chính phủ Thái Lan đang và chuẩn bị thực thi các quy định nghiêm khắc để giảm thiểu số người thiệt mạng vì TNGT...

29

Số người thiệt mạng vì TNGT tại Thái Lan cao nhất trên thế giới

Chính phủ Thái Lan đang và chuẩn bị thực thi các quy định nghiêm khắc để giảm thiểu số người thiệt mạng vì TNGT, cải thiện tình hình giao thông tồi tệ tại nước này, nhất là hành vi uống rượu khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

Số người thiệt mạng vì TNGT cao nhất thế giới

Theo thống kê của trang web World Atlas, nơi cung cấp các thông tin trực tuyến về đi lại, xã hội, kinh tế và môi trường, dù xếp hạng 30 quốc gia trên toàn thế giới, Thái Lan vẫn đứng đầu danh sách số người thiệt mạng vì TNGT.

Tổng thư ký “Tổ chức Không uống rượu lái xe”, TS. Thaejing Siripanit cho biết: “Tỉ lệ người thiệt mạng vì TNGT đường bộ tại Thái Lan là vấn nạn vô cùng đáng ngại khi đứng đầu thế giới, vượt qua cả Libya - nước có tỉ lệ tử vong vì tai nạn đường bộ cao nhất hành tinh cách đó vài năm”. Tỉ lệ này tại Thái Lan đứng ở mức 36,2/năm (tính trên mỗi 100.000 dân).

Tại Thái Lan, tất cả những người bị tạm dừng phương tiện đều phải kiểm tra nồng độ cồn. Theo luật sửa đổi bổ sung mới được áp dụng tháng 7 vừa rồi, người điều khiển phương tiện gây tai nạn trong khi nồng độ cồn đo được quá 50 miligram sẽ không được hưởng bảo hiểm.

Trong khi đó, hơi trái ngược với xếp hạng của World Atlas, Tổ chức Y tế Thế giới xếp hạng Thái Lan là đất nước có tỉ lệ người tử vong vì TNGT thứ 2, sau Libya trong khảo sát 180 nước trên thế giới.

Năm ngoái, lên tới 22.000 người thiệt mạng vì tai nạn ô tô, tương đương 50-60 người/ngày, TS. Thaejing cho biết.

Chỉ trong 3 ngày đầu trong tuần nghỉ lễ mừng năm mới 2018, Thái Lan chứng kiến tổng cộng 1.793 người bị thương, 167 người thiệt mạng trong 1.702 vụ tai nạn.

Tuần lễ mừng năm mới được gọi là “7 ngày nguy hiểm” vì thời điểm này thường xuyên xảy ra TNGT.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn đường bộ là điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn. Điển hình, có 47,92% số vụ tai nạn liên quan đến bia, rượu chỉ trong 3 ngày đầu năm mới.

Không chỉ thiệt hại về người, Giám đốc quản lý Chương trình Tổ chức An toàn Đường bộ Thái Lan Thanapong Jinvong cho biết, đất nước Chùa Vàng tổn thất 500 tỉ baht mỗi năm vì TNGT.

Răn đe bằng biện pháp nghiêm khắc

Để cải thiện tình hình này, Chính phủ Thái Lan cam kết siết chặt các quy định và thực thi pháp luật để cải thiện ATGT đường bộ trên toàn quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan Sutee Markboon, quy định mới mà Chính phủ sẽ áp dụng bao gồm hạn chế tốc độ 50km/h trong khu vực cộng đồng, yêu cầu bằng lái xe đặc biệt đối với người lái các phương tiện lớn.

“Để thúc đẩy an toàn trong số các nhóm rủi ro chính, đặc biệt với người điều khiển mô tô, xe đạp, người đi bộ, toàn bộ các phương tiện phải được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) nhằm ngăn chặn tình trạng bánh xe bị bó cứng; đồng thời phải đặt ra quy định về số tuổi tối thiểu, bằng lái xe đặc biệt với người điều khiển phương tiện lớn”, ông Markboon nhận định.

Ngoài việc đưa vào áp dụng các quy định mới, Chính phủ Thái Lan còn nâng cao việc thực thi hiệu quả các quy định luật pháp có sẵn, trong đó tăng cường chế tài xử phạt với người điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn.

Đặc biệt, từ dịp lễ cổ truyền của Thái Lan năm 2016, cơ quan chức năng của Thái Lan thành lập một chiến dịch, đưa người điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn tới nhà xác để lao động công ích và chứng kiến hậu quả của những hành vi coi thường pháp luật và mạng sống, nhằm nâng cao nhận thức và răn đe.

Đầu tiên, những người này bị đưa đến lau giường sắt nơi đặt thi thể, di chuyển thi hài, dọn dẹp... sau đó họ phải đứng xung quanh trực tiếp nhìn một thi thể phủ vải trắng.

Sau khi chịu lệnh trừng phạt này, một trong số người chia sẻ cảm nghĩ: “Chúng tôi phải chứng kiến thi thể người thiệt mạng vì TNGT và rất sợ hãi. Tôi vừa tiếc thương cho người quá cố vừa cảm thấy lo sợ cho an toàn của chính mình”.

“Nếu tai nạn xảy ra, có lẽ tôi cũng phải nằm ở đó”, một lái xe từng điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn nói.

Chưa hết, người vi phạm quy định về uống rượu khi điều khiển phương tiện còn phải chịu án tù treo, hoàn thành 12 - 48 giờ công ích bao gồm tham gia các lớp học về ATGT, làm việc tại nhà xác bệnh viện, phòng cấp cứu bệnh viện để không phải ngồi tù.

Tờ Bangkok Post cho biết, theo thống kê mới nhất, riêng 2 ngày đầu trong “7 ngày nguy hiểm” 2018 tại Thái Lan, tổng cộng 727 người điều khiển phương tiện say xỉn phải chịu án treo theo phán quyết của tòa. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.