Cơ sở sản xuất xe tự chế tại xã Xuân Tiến |
Cấm hay không cấm, “thả” cho sản xuất xe tự chế hay giám sát chặt để loại phương tiện này không ồ ạt ra đường, các địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán này.
Xe tự chế vô tư chạy đầy đường
Từ những thông tin rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, chúng tôi tìm về các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định. Nơi đây được coi như “thủ phủ” của xe tự chế.
Ngay trên tuyến QL21B qua địa bàn huyện Xuân Trường, chúng tôi bắt gặp hàng loạt xe công nông đầu ngang, xe ba bánh tự chế chạy trên đường lớn, băng cắt ngang các dòng phương tiện hay dừng đỗ trái phép bốc dỡ nguyên vật liệu ngay dưới lòng, lề đường. Thậm chí, những chiếc xe này cũng vô tư chạy qua các chốt CSGT mà không lo bị xử phạt hay thu giữ.
Xe công nông, xe ba bánh tự chế từng là nỗi ác mộng của người tham gia giao thông. Chính phủ đã phải tính toán và mất nhiều lộ trình, thời gian chuẩn bị cũng như nguồn kinh phí khổng lồ từ ngân sách phải chi ra để hỗ trợ các chủ xe chuyển đổi sang ngành nghề khác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nhiều chủ cơ sở của Xuân Tiến, Xuân Kiên còn mở thêm các cơ sở ở một số tỉnh, thành khác như TP HCM, Hải Dương, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường. |
Tiếp tục đi sâu vào xã Xuân Tiến, Xuân Kiên, PV Báo Giao thông ghi nhận, xe tự chế hiện diện ở mọi nơi, chuyên chở mọi thứ. Tại đây, hàng loạt cơ sở sản xuất lớn nhỏ mọc lên khắp đường ngang, ngõ tắt. Thậm chí, tại ngay cụm công nghiệp xã Xuân Tiến, nhiều doanh nghiệp đang ồ ạt sản xuất các loại xe 3 bánh loại có trọng tải lớn, xe công nông đầu ngang... Theo một chủ cơ sở, loại xe 3 bánh này có thể “cõng” được 2 tấn hàng hóa.
Ông Phú, chủ một cơ sở sản xuất xe tự chế cho biết, mỗi tháng cơ sở của ông sản xuất từ 5 - 7 xe. Thậm chí, nếu có đơn hàng lớn, có thể huy động công nhân hoặc các xưởng bên cạnh cùng thi công. Quy trình cho ra đời một chiếc xe 3 bánh, xe công nông cũng rất đơn giản, hầu hết máy móc, linh kiện đều được nhập lậu từ Trung Quốc. Cơ sở của ông chỉ chuyên làm một việc đơn giản nhất đó là hàn, chế khung cho chiếc xe kéo.
Ông Phú không ngần ngại tiếp thị, cơ sở của ông có thể đáp ứng mọi yêu cầu, từ xe thương binh, xe 3 bánh trọng tải lớn, xe chở học sinh… Mỗi loại xe kể trên có giá từ 27 - 35 triệu đồng. Riêng công nông đầu ngang đắt hơn, chừng 60 triệu đồng/xe. Chủ cơ sở này cũng tiết lộ, các loại xe này nếu không biết cách, không biết “cửa” khó lòng chạy được ra đường lớn, lực lượng chức năng sẽ bắt giữ, tịch thu ngay.
Ai quản lý xe tự chế - 90% linh kiện nhập lậu?
Ở một cơ sở sản xuất khác trong cụm công nghiệp xã Xuân Tiến, ông B.A. cho biết, mỗi năm các lực lượng liên ngành như: Công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương đều có về kiểm tra. Tuy nhiên, dù có kiểm tra, nhưng cơ sở sản xuất thì vẫn sản xuất đều đặn. Những mẫu xe mới, sơn sửa bắt mắt nhất đều được trưng ra lề đường để tiếp thị.
Hàng ngày, ngoài việc bán tại chỗ, việc tiếp thị, quảng cáo xe tự chế trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook cũng đang được nhiều doanh nghiệp, cơ sở chú trọng. Tại đây, gần như hình thành tất thảy mọi khâu để sản xuất, hoàn thiện chiếc xe tự chế. Việc vận chuyển sản phẩm đến tận nơi giao cho khách ở các tỉnh, thành cũng được các chủ cơ sở ở Xuân Tiến cam kết thực hiện. Tất nhiên, sau đó khách hàng sử dụng xe mà bị bắt, khách phải tự chịu bởi đây là xe không được lưu hành.
Ông Lê Văn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tiến cho hay, theo thống kê, tại xã hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp và cơ sở tư nhân đang sản xuất, buôn bán xe tự chế với nhiều chủng loại, mẫu mã khác nhau. Chính quyền có nắm được việc này nhưng không thể quản lý, cấm hay xử phạt vì xã không đủ thẩm quyền. Thi thoảng, xã cũng gọi một vài chủ doanh nghiệp lên nhắc nhở, tuyên truyền.
Việc sản xuất xe tự chế tại Xuân Kiên, Xuân Tiến gần như đang được “thả nổi”. Theo tìm hiểu của PV, hiện chưa có cơ quan chức năng nào cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất những loại phương tiện này. Vì không ai cấp phép, không ai quản lý, nên không có thống kê cụ thể về số đầu xe tự chế được lắp ráp thành phẩm và xuất đi mỗi tháng.
Cũng do không có cơ quan chức năng nào cấp phép, kiểm tra, giám sát nên chất lượng, độ an toàn của các phương tiện này cũng bỏ ngỏ. Người mua dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm bản thân cũng như uy tín của các chủ cơ sở.
Ông Vũ Anh Đức, Phó trưởng phòng Công thương huyện Xuân Trường cho hay, huyện đã có một số lần tổ chức đoàn liên ngành tới Xuân Tiến kiểm tra, giám sát nhưng khi đoàn xuống kiểm tra thì không phát hiện xe tự chế trưng bày ở lề đường (?).
Không được phép tham gia giao thông
Ông Hoàng Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 18-01S Nam Định cho biết, theo Luật GTĐB, các loại xe cơ giới phải có thiết kế được phê duyệt, được chứng nhận đăng kiểm, đăng ký mới đủ điều kiện tham gia giao thông. Các loại xe 3-4 bánh có gắn động cơ được sản xuất ở các cơ sở thủ công tại Nam Định hiện đều là xe tự chế, không phép nên không đủ điều kiện lưu hành. Việc quản lý sản xuất thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, còn khi tham gia giao thông lực lượng chức năng có quyền tịch thu các phương tiện tự chế dạng trên để đảm bảo ATGT.
Còn theo ông Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN, từ năm 2008 đến nay, Cục Đăng kiểm VN không cấp phép cho cơ sở nào sản xuất xe 3 bánh có gắn động cơ. Vì vậy các trường hợp sản xuất, lắp ráp xe 3 bánh như tại Nam Định là không phép. Do đó, các phương tiện được sản xuất, lắp ráp tại các cơ sở như trên không được cấp chứng nhận đăng kiểm, không được phép tham gia giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận