Xã hội

Thần thánh không phù hộ người chỉ đi cầu mà không làm việc

24/02/2016, 16:02

Theo Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL, không có thánh thần nào đi phù hộ cho những người không lo làm việc tử tế.

nhet tien
Không có thánh thần nào đi phù hộ cho những người lười nhác. Ảnh minh họa

“Đối với một số người, mặc dù đã hết thời gian nghỉ Tết, nhưng tâm tưởng người ta vẫn tinh thần lễ hội, chưa tập trung vào công việc cao độ, làm việc thiếu năng suất, thiếu tập trung. Ngày đầu năm đi làm việc cuối tuần là tổ chức đi lễ hội. Đó là nhận thức lệch lạc, lệch chuẩn của một số người chứ không phải tất cả”, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ với báo Giao thông.

 Không đạt điểm sẽ không được xếp loại thi đua khen thưởng

Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Bộ Văn hóa trong việc giảm thiểu những hành vi phản cảm, bạo lực trong mùa lễ hội năm nay?

Những người tham gia lễ hội và báo chí đánh giá, lễ hội năm nay đã bớt dần phản cảm và tình trạng chặt chém cũng giảm dần.

Để có được kết quả đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc quyết liệt. Ngoài các văn bản, các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có rất nhiều hành động cụ thể: Từ ban hành các văn bản chỉ đạo cho đến tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra các lễ hội, trước, trong và sau Tết, làm việc với lãnh đạo các tỉnh/thành, thỏa thuận với những cam kết. Ban tổ chức các lễ hội đã có nhiều chuyển biến. Những lễ hội phản cảm, hành vi phản cảm, những năm trước như Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, cướp phết, bạo lực tại Hội Gióng... năm nay giảm nhiều. Không tổ chức hội chọi trâu.

Ngoài cơ quan quản lý, báo chí cũng có đóng góp lớn vào những chấn chỉnh, những tiêu cực của lễ hội đang còn sót lại để trả lại những lễ hội những giá trị tinh thần tốt đẹp những giá trị văn hóa vốn có của nó để làm gắn bó cộng đồng, thôn xóm, tình người, đồng thời là dịp quảng bá văn hóa vùng miền, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên vẫn còn đó những cái này, cái nọ chưa được quy củ, nhưng theo tôi chúng ta cũng không được quá duy ý chí, quá trình làm bất kỳ cái gì cũng cần thời gian để có được nhận thức xã hội, cần phải có những điều kiện tiếp theo đó sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương, nâng dần tính chuyên nghiệp của các địa phương.

Theo ông cần phải có các giải pháp như thế nào giải quyết dứt điểm tình trạng trên?

Cần có chế tài cụ thể. Năm ngoái, Bộ Văn hóa tổng kết mô hình lễ hội và đã đưa ra chấm điểm tiêu chí tổ chức và quản lý lễ hội. Đây là cách để cảnh báo và nhắc nhở các địa phương, tương đương với chế tài. Nghĩa là vi phạm vào đó, sẽ được loại A, B, C tương đương khen thưởng của ngành.

Trong trường hợp không xếp loại, không đạt điểm, Bộ sẽ có hình thức xử lý thế nào?

Nếu không đạt điểm,  thành tích của đơn vị đó, tỉnh/thành đó sẽ không được xét thi đua khen thưởng. Đó cũng là hình thức nặng. Bởi con người ai cũng có lòng tự trọng, tôi nghĩ không ai trơ trẽn khi cho rằng được hay không được thì thôi. Xã hội cần phát triển con người cũng cần phát triển, không chỉ dừng lại ở đó, ai cũng có lòng tự trọng, tự ái đúng đắn để phấn đấu vươn lên. Tôi nghĩ những nhắc nhở đó cũng tương đương với các chế tài, chế tài này là bước đầu, về sau cân nhắc sẽ có chế tài nặng hơn.

Chúng ta không thể duy ý chí và cầu toàn rằng lễ hội phải trật tự răm rắp được. Tôi tham dự nhiều lễ hội ở các nước, có cả các nước văn minh, lễ hội ở cũng có cảnh tranh giành, chen lấn, xô đẩy. "Đi hội tả tơi" tức là lễ hội phải có cảnh đông đúc, mồ hôi rơi, nhưng dù gì anh cũng phải tham gia với tâm thế đẹp, hành động văn minh, lịch sự...

phan dinh tan baogiaothong.vn

Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Theo tôi, nếu các xe biển xanh đi lễ hội mà không phải đi công vụ, báo chí cứ cố gắng đưa lên, để nói có sách, mách có chứng.

Lễ hội cũng mang nguồn thu lớn cho đất nước

Bên cạnh những giá trị tinh thần tốt đẹp mà lễ hội đem lại, một số chuyên gia kinh tế, cho rằng, việc có quá nhiều lễ hội và kéo dài hàng tháng trời, khiến nhiều người chỉ thích đi lễ hội mà không làm việc, khiến cho nền kinh tế trì trệ, lãng phí tiền của nhà nước và thời gian. Ý kiến của ông về chuyện này, như thế nào?

Bên cạnh những tích cực của lễ hội thì những tiêu cực, mặt trái, hạn chế do lạm dụng khai thác và sử dụng lễ hội không đúng vẫn còn. Nó chỉ xảy ở 1 bộ phận chứ không phải là tất cả.

Đối với một số người, mặc dù đã hết thời gian nghỉ Tết, nhưng tâm tưởng người ta vẫn tinh thần lễ hội, chưa tập trung vào công việc cao độ, làm việc thiếu năng suất, thiếu tập trung. Ngày đầu năm đi làm việc cuối tuần là tổ chức đi lễ hội. Đó là nhận thức lệch lạc, lệch chuẩn của một số người chứ không phải tất cả.

Chuẩn mực của lễ hội là tạo sự gắn bó cộng đồng, tạo niềm hưng phấn, niềm vui, có định hướng đến giá trị chân thiện mỹ để người ta phấn đấu chứ không phải như một số người nhận thức rằng, đến đó cầu thánh, cầu lợi, cầu lộc, cầu danh những điều tốt đẹp cho bản thân mình. Không có thánh thần nào đi phù hộ cho những người lười nhác, không có thánh thần nào phù hộ cho những người chỉ đi cầu mà không lo làm việc tử tế, không lo đóng góp cho xã hội, cho Đất nước.

Đến với lễ hội không thành tâm thì không linh được. Đến với tâm thế vẩn đục, cầu xin, bỏ một vài đồng tiền lên tay tượng phật rồi nghĩ tượng phật sẽ phù hộ cho mình, hay như đốt vàng mã. Một sự mê tín mù quáng thái quá của một số bộ phận đi lễ chùa.

Hệ lụy, công sở, nhà máy doanh nghiệp một vài nơi đâu đó, vắng vẻ, không làm ra của cải vật chất cho xã hội, công việc trì trệ, đình đốn, một số người trượt dài trên con đường mê tín dị đoan. Một bộ phận đó đã đành, kéo theo một bộ phận nhìn vào những con người đó, cũng theo tấm gương không tốt, không cẩn thận lại nhân rộng ra, đó là một cản trở xã hội do mặt trái của những người có nhận thức lệch lạc, mượn lễ hội cầu danh, cầu lộc, cầu tài.

Tuy nhiên, lễ hội cũng mang nguồn thu lớn cho đất nước. Một khu du lịch tổ chức lễ hội tốt đóng góp rất lớn về kinh tế, ổn định chính trị an ninh, phát triển nghề nghiệp và giữ gìn bản sắc dân tộc, gắn bó cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ở An Giang, hàng năm đóng góp hàng chục tỷ thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Số tiền đó, BTC lễ hội ngoài đóng thuế cho nhà nước sẽ tổ chức, trùng tu tôn tạo, khai thác tiếp tục phát triển, tạo nên công ăn việc làm cho người dân, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, thu hút một số bộ phận không có việc làm, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự xã hội.

Ngoài ra, kinh phí của các lễ hội tự các địa phương tổ chức không cấp từ ngân sách nhà nước, trừ những lễ hội mang tính lịch sử cách mạng do Nhà nước chủ trì, thì bên cạnh kinh phí nhà nước, một phần kêu gọi xã hội hóa, những người có lòng hảo tâm, có khả năng đóng góp.

Theo ông, cần phải làm gì để chấm dứt nhận thức lệch lạc, lệch chuẩn về lễ hội của một bộ phận những người có tâm lý hội hè hay chuyện xe biển xanh đi lễ?

Từ rất nhiều năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyệt đối cấm lấy xe công để đi lễ hội. Sử dụng xe công chỉ đến lễ hội cùng với các đoàn thanh tra, kiểm tra công vụ.

Theo tôi, nếu các xe biển xanh đi lễ hội mà không phải đi công vụ, báo chí cứ cố gắng đưa lên, để nói có sách, mách có chứng. Có chế tài để những người đó phải có thái độ nghiêm túc, không thể lạm dụng của công vào những việc đó mãi được.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.