Chưa đầy 20 tuổi, kết hôn và chia tay chóng vánh với một vị đại gia trẻ tuổi của Sài Gòn thời bấy giờ. Có thể hỏi “Hồng nhan bạc phận”có ứng với cuộc đời của chị?
Người xưa muốn nói người đẹp có cuộc đời đau khổ đến tận cùng, Thanh Lan không nghĩ mình là người đẹp, nếu có chỉ là có phấn son tô điểm thêm thôi. Cuộc sống có những lúc cũng nhiều vinh dự huy hoàng, nhìn lên sao bằng ông hoàng bà chúa. Nhưng rồi cuộc đời mình chỉ có mình biết rõ nhất, thôi thì cầu mong cuộc sống bình yên và khỏe mạnh.
Có vẻ như đời người đàn bà hay dở đều nhờ tấm chồng không đúng lắm với chị, bởi khi chia tay người chồng đầu, sự nghiệp của chị thăng hoa như diều gặp gió. Cuộc sống người mẹ đơn thân khiến chị cảm thấy thế nào?
Tôi kết hôn sớm và có con gái đầu lòng năm 20 tuổi, sau đó chia tay chóng vánh. Có điều tôi không có cảm xúc tủi thân như những phụ nữ sống một mình với con. Bởi dù nuôi con một mình nhưng tôi vẫn sống chung với bố mẹ, cùng với các em trai em gái, nên trong nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Tôi thành công sớm, ba mẹ cũng có công ăn việc làm như ý nên khung cảnh ấm cúng, ba thế hệ sống chung đề huề. Cho đến khi mẹ tôi mất năm 1992 thì cuối năm 1993, tôi lên đường qua Cali (Mỹ). Nhiều điều không vui trong buổi đầu sống một mình tại xứ người, nhưng đã hơn 20 năm qua rồi, tôi không muốn khơi lại vết thương lòng.
Tại sao đàn ông lại “bỏ qua” một người phụ nữ đẹp sắc nước hương trời như chị được nhỉ! Tôi đang nghĩ điều gì khiến chị không bước thêm bước nữa để người đàn ông gánh vác bớt khó khăn, tủi hờn trong cuộc đời mình?
Rất nhiều người thầm yêu tôi nhưng lại nhút nhát không dám tới gần vì ngại người nổi tiếng. Cũng có những chàng đến làm quen vì ái mộ giọng hát và nụ cười, nhưng sau thời gian tìm hiểu thì tôi nhận ra rằng họ thích con người trên sân khấu chứ không phải thương cảm cô Thanh Lan ngoài đời và muốn chia sẻ ngọt bùi.
Tôi chỉ muốn chung sống với người nào thương cho số phận tôi, an ủi tôi, người mà tôi có thể thổ lộ tất cả vui buồn, một người bạn lòng chứ không phải cần một đối tác đơn thuần.
Nghĩa là một người đàn ông đến với chị, dù ở tuổi nào anh ấy cũng cần có “khung trời hoa mộng”, một kiểu lịch lãm như nhân vật Thành Luân thuở nào, hay hào hoa đa tài như nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh?
Cho đến giờ, mẫu người đàn ông của tôi ít thay đổi. Tôi rất thần tượng ba mình, nên thích những người đàn ông dong dỏng cao, đi đứng nhẹ nhàng, ăn nói từ tốn như ba. Hiện tại tôi đã gặp nửa hồn kia, nhưng để xem “con tạo xoay vần đến đâu”.
20 tuổi đã làm mẹ của một cô con gái, người thân cũng như con gái chị có lúc nào khích lệ chị nên đi bước nữa?
Con gái không khuyên cũng chẳng cản. Tất cả là do tôi thôi.
Có vẻ như cô ấy không thích một người mẹ quá nổi tiếng, bởi tôi thấy chị ít khi chia sẻ hay đưa hình ảnh về cô ấy trên truyền thông?
Con tôi không thích lắm với sự nổi tiếng của mẹ. Huy chương nào cũng có mặt trái mà. Khi con gái còn nhỏ là những ngày tôi phải hát hàng đêm. Sáng ngủ, chiều sửa soạn, tối đi hát đến một giờ sáng mới về đến nhà. Lúc ấy chỉ thấy vui là mình kiếm đủ tài chính để trang trải hết trong gia đình, vui với niềm vui là cả gia đình no ấm mà quên là mình có quá ít thì giờ với con. Ước gì con gái bé nhỏ trở lại như xưa để mẹ ôm con vào lòng.
Tôi nhớ hồi sang Mỹ, đó là thời gian xa cách con duy nhất. Tối nào tôi cũng gọi điện về kể chuyện bên Mỹ và con kể chuyện tại Việt Nam. Giờ thì con đã qua đây sống với tôi 17 năm rồi, chúng tôi đều chia sẻ được mọi điều với nhau.
Chị được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn, biết nói thông thạo 2 thứ tiếng Anh - Pháp, tất cả những thứ ấy hun đúc lên một văn hóa, một giá trị Thanh Lan của ngày ấy và bây giờ. Xin hỏi, ngày xưa ấy, để trở thành một ca sĩ hay một diễn viên, có khó hay không?
Ngày trước, để trở thành ca sĩ có tên tuổi phải xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, hàng đêm tại các phòng trà và phải nổi bật để được mời thâu băng nhạc hay đĩa nhạc. Rồi sẽ được in hình trên bìa bài hát hoặc bìa tuần báo, trở thành khuôn mặt thân quen với khán giả yêu nhạc. Tuy nhiên trước khi đi hát, đa số đều đã phải qua một lớp dạy nhạc và hát, rồi chính người thầy sẽ là người giới thiệu các ca sĩ đến với phòng trà hoặc vũ trường. Được mời lâu hay ngắn hạn, lương cao hay thấp tùy thuộc vào sự ăn khách của người ca sĩ.
Nổi tiếng như diễn viên Thẩm Thúy Hằng là dự thi tuyển chọn tài tử, hay được mời casting phim như diễn viên Kiều Chinh. Riêng tôi may mắn xuất hiện trên tivi trong chương trình Văn nghệ học đường lúc còn học trung học. Khi ấy nghĩ là vui chơi thôi, ai ngờ sau đó nhiều chương trình ca nhạc khác mời liên tục. Vô tình trở thành nổi tiếng và được mời đóng phim khi đã nổi tiếng.
Đời sống văn hóa - giải trí cuối những năm 60, đầu năm 70 chị từng biểu diễn với nhiều band, nhạc sĩ, ca sĩ nhạc trẻ tiếng Sài Gòn. Chị còn nhớ thời sôi nổi ấy?
Ngày ấy, nhạc sĩ Lê Hựu Hà mời tôi hát với ban nhạc của anh thời gian cả hai vẫn còn học trung học. Đa số là tập những bài hát ngoại quốc vì diễn cho khán giả nước ngoài. Sau này, tôi biết anh Hà cũng học Đại học Văn khoa nhưng khác lớp với tôi. Đầu những năm 70, anh Nguyễn Trung Cang cùng trong ban nhạc Phượng Hoàng, cùng với anh Hà có đến gặp tôi để mời trình diễn chung với anh Elvis Phương, để trở thành một đôi song ca hát nhạc trẻ do chính các anh sáng tác.
Nhưng tôi chỉ muốn thâu băng và hát truyền hình nên không nhận lời. Tuy vậy, tôi vẫn nhận lời thâu Bước tình hồng của anh Nguyễn Trung Cang và hát ca khúc Tôi muốn của anh Lê Hựu Hà tại các sân trường đại học. Lần cuối, tôi làm việc với anh Hà tại phòng thâu của anh khoảng đầu năm 1990 để thâu Tiếng hát Thanh Lan, sau đó tôi định cư bên Mỹ và không gặp anh nữa.
Ngay như một lãng tử, một tác giả âm nhạc nổi tiếng Nhật Trường cũng gắn bó âm nhạc - nhạc kịch với chị một thời gian lâu dài. Sự hợp tác không khiến chị si mê người đàn ông tài hoa này hay sao? Và ngược lại, anh ấy cũng không có chút tình cảm với chị chứ ?
Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ gì với anh Nhật Trường ngoài chuyện phải tập cho xong bài hát để thâu hoặc học lời thoại cho thuộc vì sắp tới ngày diễn. Tôi không biết anh ấy có tình cảm gì với mình hay không nhưng anh ấy toàn gọi tôi là “con nhỏ này”, tỏ vẻ đàn anh lắm.
Tôi coi anh Trường cũng giống như anh Lê Hựu Hà, dù khi ấy anh Trường là một trong vài nam ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Anh sản xuất băng nhạc Tiếng hát đôi mươi, đặc biệt có nhiều giọng nữ hát bè chứ không chỉ toàn đơn ca như vài băng nhạc khác. Nhạc anh viết rất đa dạng, lời ca chân thành, gần gũi, nhạc phẩm ăn khách. Anh Trường giản dị, cũng hay cười đùa khi đi quay hình khiến không khí rất nhẹ nhàng dễ chịu. Hát song ca với anh Nhật Trường là việc dễ dàng nhẹ nhõm, ngay cả khi quay hình cũng chẳng cần tập dợt động tác, cứ tùy cơ ứng biến thôi.
Cảm ơn chị!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận