Trước đây, trong thời kỳ Liên Xô, Hematogen là một loại kẹo rất được ưa chuộng với trẻ em và cả người lớn. Tuy nhiên thành phần bí mật của nó – tiết bò gây ra không ít tranh cãi. Tiết bò được thêm vào loại kẹo này nhằm mục đích giúp người tiêu dùng điều trị bệnh thiếu máu, suy dinh dưỡng và mệt mỏi.
Kẹo Hematogen có hương vị vani ngọt ngào, trước đây chỉ bán trong các hiệu thuốc nhưng giờ đây có thể tìm thấy trong nhiều cửa hàng ở các nước thuộc Liên Xô cũ như Nga và Ukraine, thậm chí xa như Mỹ và Canada cũng có. Bạn có thể tìm mua và đặt hàng kẹo Hematogen trên Amazon.
Phiên bản kẹo Hematogen đầu tiên được tạo ra vào năm 1890 tại Thụy Sĩ. Lúc đó, nó là hỗn hợp của tiết bò và lòng đỏ trứng được gọi là “Gomel"s Hematogen”. Nhưng vào những năm 1920, Liên Xô đã điều chỉnh công thức này theo nhu cầu riêng để đưa vào khẩu phần ăn cho các binh lính. Theo thời gian, hương vị ngọt ngào của vani và socola của nó trở thành loại kẹo được mọi người yêu thích.
Loại kẹo này được cho là có thể tận dụng được tiết bò, thường bị bỏ phí ở các lò mổ. Quá trình sản xuất ra kẹo Hematogen tốn khoảng 24 tiếng. Đầu tiên, người ta cho sữa đặc, đường, siro glucose, vani trộn với nhau, đun nóng sau đó cho tiết bò vào rồi để nguội. Ngày hôm sau, hỗn hợp này sẽ đông lại tạo thành kẹo.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, hầu hết mọi người ở nước Nga Xô Viết đều biết rất rõ rằng, kẹo Hematogen có chứa tiết bò nhưng vẫn mua ăn. Điều này là do hương vị của loại kẹo này rất ngon, hơn nữa nó còn điều trị được một số bệnh như thiếu máu cho trẻ em và phụ nữ mang thai, cũng như đẩy nhanh tốc độ hồi phục của binh lính bị thương.
Do hàm lượng sắt cao, sau khi ăn kẹo Hematogen có thể để lại vị kim loại kỳ lạ trong miệng.
Ngày nay, do hàm lượng đường cao, kẹo Hematogen không còn được coi là nguồn cung cấp sắt lành mạnh nữa. Những người thiếu sắt được các bác sĩ khuyến cáo nên thay thế bằng thịt đỏ.
Kẹo Hematogen ngày nay không giống như nguyên bản, vì các nhà sản xuất ngày nay sử dụng tiết bò dạng bột thay vì tiết bò tươi, nhưng hương vị của nó vẫn gợi nhớ lại những kỷ niệm cho những người từng ăn khi còn nhỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận