Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam |
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Thanh toán Việt Nam 2017 tổ chức hôm qua (6/11) tại Hà Nội. Điều này sẽ góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới 10% vào năm 2020.
Ngân hàng yếu về công nghệ
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, khoảng 1-3 năm trở lại đây, thanh toán ví điện tử nở rộ tại Việt Nam. Hầu hết các đơn vị trung gian thanh toán trên thị trường đều đang hướng sang lĩnh vực này. Tính đến tháng 8/2017, đã có 24 công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và 14 công ty đã cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng. Một số cái tên tiêu biểu như: MoMo, VTCPay, Zalo Pay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payoo, Moca…
Ông Lực cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về thanh toán di động nhưng chưa có giải pháp được xem là nổi bật và tạo ra xu thế. Trong thời gian tới, thanh toán di động tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ khi thị trường bán lẻ (đặc biệt là thương mại điện tử) tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, sự tham gia của các công ty Fintech (công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ) cũng làm cho thị trường thanh toán di động trở nên sôi động hơn. Tính tới năm 2016, hơn 30 doanh nghiệp Fintech đã được thành lập tại Việt Nam. Trong đó, 2/3 số này cung cấp các dịch vụ thanh toán di động.
Vậy ngân hàng đứng ở đâu trong cuộc chơi này? Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank nhận xét, có ngân hàng có chức năng thanh toán nhưng lại yếu thế về mặt công nghệ. Do đó, để phát triển thanh toán ngân hàng không thể đứng một mình, mà cần có hệ sinh thái kết nối giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ: Du lịch, y tế, viễn thông... như Lazada, Adayroi... “Thanh toán cần lồng ghép vào nhu cầu này như hành động cuối cùng. Chúng tôi muốn kết hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để phát triển dịch vụ thanh toán”, ông Lân nói.
Đưa tỷ trọng thanh toán tiền mặt xuống dưới 10%
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như với điện thoại di động hơn 10 năm trước. “Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017. Về thương mại điện tử, theo số liệu của Bộ Công thương, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng 25-35% mỗi năm, tương đương tốc độ tăng trưởng của khu vực. Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - ông Jack Ma khẳng định sẽ tham gia vào thị trường thanh toán của Việt Nam: “Chúng tôi đến Việt Nam vì nghĩ có thể làm việc với Chính phủ Việt Nam về thanh toán, vì chúng tôi có công nghệ, tri thức. Cái gì chúng tôi mang lại cho Việt Nam là của Việt Nam”. |
Hiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận, huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử tại Việt Nam, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, cơ quan này sẽ nhanh chóng ho àn thiện hành lang pháp lý cho thanh toán di động. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động... Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát để thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả ngay cả tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại những nơi này.
“Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp (cả bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thanh toán), các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp...
Ngoài ra, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận