Tài chính

Thanh toán điện tử - mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng

22/03/2020, 20:10

Lượng giao dịch và giá trị giao dịch thanh toán qua các kênh Internet và điện thoại di động năm 2018 tăng ấn tượng 19,5% và 169,5% so với 2017.

img
Số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thanh toán qua các kênh Internet và điện thoại di động năm 2018 tăng ấn tượng 19,5% và 169,5% so với 2017

Cơ hội thị trường

Quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; Số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu (GCS) của PwC cũng cho thấy, trong 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 khi tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng điện thoại di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2017.

Nền kinh tế số ở Việt Nam đang thực sự khởi sắc với tỷ lệ người có thu nhập trung bình tăng lên và tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động cũng như Internet ở mức cao. Theo số liệu thống kê Internet Việt Nam 2019, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày là 94% và 6% là số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần.

Tốc độ truy cập Internet tăng trưởng hàng năm với tốc độ truy cập Internet trung bình ở điện thoại là 21,56 MBPS (tăng 6,1% so với năm 2018) và ở máy tính là 27,18 MBPS (tăng 9,7%).

Tuy nhiên, thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan 59,7% và Malaysia 89%. Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ và NHNN quan tâm vài năm gần đây.

Để tiếp tục thúc đẩy TTKDTM, tại tọa đàm về thanh toán 2019 “Xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số” hồi tháng 11/2019, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký HHNH Việt Nam cho rằng: “Cùng với xu thế chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng số. Quá trình này đòi hỏi xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, thiết lập hạ tầng kỹ thuật mới, các giải pháp ứng dụng của công nghệ kỹ thuật số. Do đó, cần có sự phối hợp của các bên liên quan tạo hệ sinh thái đồng bộ tạo nên sự phát triển của hoạt động ngân hàng số”.

img
VCB-Mobile B@nking dù ra đời muộn nhất nhưng được xem như sản phẩm “đinh” của ngân hàng

Chuyển dịch của Vietcombank

Là ngân hàng luôn tiên phong trong việc phát triển những sản phẩm hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Vietcombank đã sớm triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử ưu việt, tích hợp nhiều tính năng thanh toán, nhằm giảm tải giao dịch tiền mặt tại quầy và hướng người dân thay đổi dần thói quen mua sắm truyền thống.

Về mảng dịch vụ thanh toán điện tử, Vietcombank đang cung cấp các sản phẩm: VCB – iB@nking, VCB – SMS Banking, VCB–Mobile B@nking, VCBPAY. Đến hết 2019, đã có gần 6 triệu khách hàng hàng kích hoạt sử dụng Internet Banking/Mobile Banking của Vietcombank, tăng gần 200% so với cuối 2016.

Cùng với việc phát triển mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhu cầu TTKDTM của khách hàng Vietcombank tăng trưởng rõ rệt. Năm 2019, tỷ trọng giao dịch trên các kênh NHĐT đã tăng lên 90% (từ 70% năm 2016) trong tổng số giao dịch phi tiền mặt của Vietcombank. Tổng số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt năm 2019 tăng hơn 200% so với 2016. Dòng tiền thu hút vào các sản phẩm dịch vụ NHĐT đã ở mức tập trung cao, tổng số dư không kì hạn của khách hàng qua Internet Banking/Mobile Banking chiếm khoảng 70% tổng nguồn vốn khách hàng cá nhân.

VCB-Mobile B@nking dù ra đời muộn nhất nhưng được xem như sản phẩm “đinh” của ngân hàng. Ra mắt cuối năm 2012 và thay đổi phiên bản mới tháng 3/2017, đến nay VCB-Mobile B@nking có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, gấp 5 lần so với cuối năm 2016 và đạt xấp xỷ 2 triệu khách hàng. Chỉ với 1 chiếc điện thoại di động kết nối Wifi/3G/4G, mọi lúc mọi nơi khách hàng đều có thể thực hiện chuyển tiền, thanh toán vé máy bay, vé tàu xe, khách sạn, điện nước, đặt vé xem phim, thanh toán học phí, viên phí, quét mã QR thanh toán mua hàng…

Bên cạnh những tính năng ưu việt này, để người dùng có cơ hội trải nghiệm và sử dụng như một công cụ tài chính không thể thiếu trong cuộc sống, Vietcombank cũng đã triển khai mở rộng thêm các tính năng trên VCB-Mobile B@nking (Smart OTP, OTT Alert…), góp phần đa dạng hóa các tiện ích dành cho khách hàng.

Thúc đẩy nền TTKDTM, vừa qua Vietcombank vinh dự là Ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) cung cấp các giải pháp thanh toán thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ mới bổ sung. Đặc biệt, Vietcombank là ngân hàng tiên phong và hiện là ngân hàng duy nhất hợp tác với cổng DVCQG phát triển cơ chế đăng nhập một lần Single Sign On (SSO) giữa cổng DVCQG với hệ thống thanh toán của ngân hàng giúp cho người dân có trải nghiệm hoàn toàn mới và thuận tiện khi truy cập vào cổng DVCQG sử dụng các dịch vụ công mức độ 4 để hoàn tất thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.

Với 3 loại dịch vụ Thanh toán phí phạt vi phạm giao thông, Thuế cá nhân và Lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng trên cổng (DVCQG), giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ với trải nghiệm mới trong thanh toán điện tử.

Việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên cổng DVCQG cho các dịch vụ công có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, đồng thời tháo gỡ những bất tiện khi người dân phải thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức truyền thống trước đây.

Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của mảng dịch vụ ngân hàng số, Vietcombank đã thành lập Ban triển khai và đang tích cực đầu tư nguồn lực cho dự án ngân hàng số. Có thể thấy trên nền tảng công nghệ hiện đại, Vietcombank đã phát triển đa dạng hóa các sản phẩm thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu khách hàng, góp phần phát triển văn hóa không dùng tiền mặt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.