Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng bị tạm giữ. (Ảnh: Pháp luật Plus) |
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, liên tiếp trong hai ngày từ 27/2/2017 đến 28/2/2017, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội và Thanh tra Chính phủ, rà soát các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn tại Kho hàng của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NTCS).
Với các vụ việc lần này, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ và Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính Phủ, lực lượng chức năng, các tổ chức quốc tế trong việc thực thi Công ước Cites tại Việt Nam. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Với vai trò thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật, giám sát mọi hoạt động để đánh giá tình hình thực hiện, tuân thủ pháp luật nhà nước của các cơ quan ban ngành, trong năm 2016, 2017 Thanh tra Chính phủ đã đồng hành cùng Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực ngày càng sâu sắc.
Vụ việc vừa qua là một trong những kết quả phối hợp nỗ lực giữa Tổng cục Hải quan và Thanh tra Chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu tại các cửa khẩu trọng điểm trên toàn quốc.
Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện 03 lô hàng nghi vấn có chứa hàng cấm được vận chuyển từ Kenya về sân bay quốc tế Nội Bài. Kết quả kiểm tra khám xét phát hiện hàng hóa thuộc vận đơn 7062919451 gồm 2 thùng bên ngoài bọc lylon (PE), bên trong mỗi thùng carton chứa 18 túi nylon màu xanh đựng lá khô (nghi là là khát dùng để sản xuất ma túy đá), có tổng trọng lượng 2 thùng carton chứa 68,4 kg.
Các vụ vận chuyển trái phép lá Khát đã từng tăng từ năm 2015, sau đó giảm xuống và có dấu hiệu nóng trở lại trong thời gian gần đây. Điển hình, giữa năm 2016 cơ quan Hải quan đã phối hợp với một số cơ quan liên tục phát hiện 5 vụ vận chuyển trái phép 1,2 tấn lá ma túy (lá khat, còn có tên gọi lá “thiên đường”).
Lá khô nghi ngờ là lá Khát dùng để sản xuất ma túy đá. (Ảnh: Pháp luật Plus) |
Khát, còn có tên catha, là một loại cây có hoa được trồng nhiều ở vùng Sừng châu Phi, bán đảo Ả Rập, Trung Đông. Lá khát có chứa chất kích thích cathinone. Liên tục bị bắt giữ, các đường dây nhập khẩu lá khat chuyển qua thủ đoạn mới là gửi bằng hình thức quà biếu. Sau khi lá khát được đưa lậu vào VN, một lượng không nhỏ được “phù phép” mang tên loại lá cây khác, có xuất xứ VN để xuất khẩu đi các nước khác.
Với gần 80 kg lá khát trên, nếu xuất khẩu trót lọt đến các nước như Mỹ, Úc, Anh… sẽ có trị giá ước tính hàng tỷ đồng, và nếu chúng thẩm lậu số ma túy trên vào nội địa VN sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Một lãnh đạo tham gia chỉ đạo chuyên án này cho biết và khuyến cáo: “Đây là loại ma túy mới, nhưng độc hại hơn thuốc phiện gấp 500 lần. Việc sử dụng lá khat sấy khô khiến mắt mờ, dễ nổi nóng, ra mồ hôi nhiều, nhịp tim tăng, co giật, khó thở, chảy máu mũi, suy nhược, rối loạn tâm thần, gây ảo giác, trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người. Tác hại lập tức và lâu dài của cathinone mạnh hơn cả ma túy “đá” và cocaine”.
Số hàng chứa vẩy tê tê bị phát hiện. (Ảnh: Pháp luật Plus) |
Hàng hóa thuộc vận đơn số 70625431851 gồm 7 va ly, bên trong các va ly là 31 bọc giấy bạc chứa lá khô (nghi là lá Khát), có tổng trọng lượng 114,4kg. Lô hàng tiếp theo là hàng hóa thuộc vận đơn 176-67987684 gồm 4 kiện hàng khai báo trên vận đơn là văn phòng phẩm nhưng đều chứa vẩy tê tê. Như nhiều loại động vật quý hiếm khác, tê tê được liệt vào danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của IUCN năm 2008, và việc mua bán quốc tế những động vật này là trái phép.
Hiện cả 3 vụ việc đã được lực lượng chức năng lấy mẫu để giám định và tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ và mở rộng điều tra sâu.
Trước đó, từ ngày 1/7, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã tăng cường khung hình phạt đối với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép đối với tê tê.
Tội phạm về buôn bán và vận chuyển tê tê trái phép, với số lượng từ 1-6 cá thể có thể phải đối diện với mức phạt từ 500 triệu đồng - 2 tỷ đồng và, hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Mức hình phạt tù tăng lên 5-10 năm với số lượng từ 7-10 cá thể, và từ 10-15 năm với số lượng trên 10 cá thể tê tê. Tê tê là loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ thuộc Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận